Tự trói chân trên biển
AFP đưa tin, ngày 27/5, phát biểu trước các sỹ quan chuẩn bị tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ tại Annapolis, Maryland, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nêu rõ: "Các hành động của Trung Quốc có thể dựng lên một Vạn Lý Trường Thành tự cô lập chính họ. Các quốc gia trên khắp khu vực này - đồng minh, đối tác hay trung lập - đều đang công khai hoặc kín đáo bày tỏ quan ngại ở mức cao nhất. Các hành động của Trung Quốc (trên Biển Đông) thách thức những nguyên tắc cơ bản, và chúng ta sẽ không làm ngơ."
Tuyên bố của ông Carter được đưa ra trước thềm chuyến thăm Singapore vào tuần tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á Shangri-La, nơi các bên dự kiến tập trung thảo luận về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước đó, các lãnh đạo G7 cũng đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại về những căng thẳng leo thang trên biển ở khu vực châu Á.
“Chúng tôi lo ngại về tình hình ở biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình cũng như xử lý các tranh chấp"- các lãnh đạo G7 khẳng định trong tuyên bố chung được đưa ra sau 2 ngày nhóm họp tại Nhật Bản.
Nhóm G7 bao gồm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý.
Tuyên bố chung được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông –tuyến hàng hải chiến lược - leo thang, khi Trung Quốc ngày càng ngang ngược trong các tuyên bố chủ quyền phi pháp đòi 80% diện tích vùng biển quốc tế ở khu vực này.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang thách thức nước thành viên của G7 là Nhật Bản trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gây ra quan ngại ngày càng lớn về "thế lực đang trỗi dậy" Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để giành chủ quyền tại đây.
Không những thế, trước đó, Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo trái phép 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo phi pháp. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.
Lãnh đạo nhóm các quốc gia G7 tại Hội nghị thượng đỉnh ở Ise Shima (Nhật) ngày 26/5 - Ảnh: Reuters
Trung Quốc bất mãn
Cùng ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết Trung Quốc "vô cùng bất mãn" với tuyên bố của lãnh đạo G7 liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông.
Lí do, Trung Quốc phản ứng khá rõ khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lặp lại quan điểm phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và hối thúc Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cho rằng G7 cần có lập trường “cứng rắn và rõ ràng” về tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Đây cũng là một ý khá rõ vì cho đến nay có những ý kiến cho rằng khối Liên minh châu Âu (EU) quan ngại các quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ làm “giảm” tiếng nói của châu Âu trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông
Trong cuộc họp riêng với Tổng thống Obama chiều 25/5 nhằm thể hiện “liên minh chặt chẽ giữa hai quốc gia” trước động thái trên biển của Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản -ông Abe nhấn mạnh các tuyên bố về chủ quyền tại Biển Đông phải dựa trên cơ sở “phù hợp luật pháp quốc tế” chứ không phải bằng cách “đe dọa” hay “đơn phương thay đổi hiện trạng”.
Trong khi đó, ông Obama cũng cho rằng cần có “một nghị quyết hòa bình cho những tranh chấp này. Điều ngăn cản việc có được nghị quyết đó không phải là bất cứ việc gì mà chúng tôi đang tiến hành”.
*Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhắc lại lập trường nhất quán ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, mong ASEAN và Trung Quốc hợp tác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).