Ngàn ngày đưa rùa về biển Cù Lao Chàm

TP - Hòn đảo bao năm vắng bóng rùa bỗng một ngày từ hố cát, hàng trăm chú rùa con theo đàn chui lên bò xuống biển trong niềm vui khôn xiết của mọi người. Để có được kỳ tích ấy, suốt 3 năm qua, những thành viên trong Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) đã vượt ngàn cây số, ăn nằm ngủ dề bờ bãi, nâng từng quả trứng trên xe lẫn máy bay, làm những việc chưa ai từng làm…
Nhóm bạn trẻ tại Đà Nẵng thả một chú rùa suýt bị làm mồi nhậu về biển vào tháng 10/2018 Ảnh: Thanh Trần

Bài 1:  Dọn tổ và đi xin… trứng động vật quý hiếm

Năm 2003, có chàng trai trẻ chân ướt chân ráo vừa tốt nghiệp trường ĐH Thủy sản Nha Trang ra đảo. Quãng thời gian gắn bó ở đây, những câu chuyện về rùa lên bãi đẻ trứng, rùa bị bắt ăn thịt và thực tế bà con không thấy rùa nữa khiến tân cử nhân ấy lao vào hành trình đưa rùa về đảo Cù Lao Chàm. Chàng trai ấy là Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

May còn bãi Bấc

Ông Nguyễn Văn Bày (50 tuổi), nhớ như in ngày ông còn trẻ, đêm đêm, tại bãi Ông, bãi Hương…rùa thường xuyên lên đẻ trứng. Bà con trên đảo vô tư lấy trứng về ăn. Có lần gặp rùa mắc lưới, họ cũng coi như cá tôm, đưa về xẻ thịt. “Suốt một thời gian dài sau đó chúng tôi không còn thấy rùa nữa, rùa bỏ Cù Lao Chàm đi mất rồi. Nếu không tìm cách bảo tồn, chắc vĩnh viễn con cháu mình chỉ biết đến rùa qua sách báo thôi”, ông trăn trở. 

Anh Vũ nói không chỉ mình ông Bảy, mà mỗi cuộc họp, gặp gỡ với BQL, người dân đều đề đạt mong mỏi ấy. Chàng trai trẻ ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi rồi quyết vào Côn Đảo, nơi bảo tồn rùa nhiều nhất Việt Nam để học hỏi. May mắn gặp những đàn anh, trong đó có “cây cổ thụ” trong việc bảo tồn rùa - ông Lê Xuân Ái, từng là Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo nên anh được chỉ dẫn rất nhiều. “Những ngày ở trong đó mình đi khắp các bãi biển, ăn dầm ở dề để quan sát, tìm hiểu. Điều kiện tự nhiên như độ mịn cát, độ ẩm, cao trình bãi biển…đều giống với Cù Lao Chàm, hoàn toàn thuận lợi cho việc ấp trứng rùa. Điều này càng làm mình thêm quyết tâm đem trứng về”, anh kể. 


Anh Nguyễn Văn Vũ ghi nhận các số liệu tại khu vực ấp trứng trên đảo Cù Lao Chàm
Ảnh: Thanh Trần

Nhớ lại những ngày đầu về khảo sát hòn đảo quê hương, ông Ái vẫn không giấu được niềm vui khi thấy Cù Lao Chàm hội đủ các thành phần môi trường sống của rùa biển: hệ sinh thái san hô, cỏ biển, bãi biển… “Quả thật, người dân kể về rùa biển ngày xưa có khắp các bãi biển của Cù Lao Chàm là hoàn toàn có cơ sở”, ông nghiệm ra.  

Chỉ có điều, rùa đặc biệt sợ tiếng ồn, ánh sáng, trước khi lên đẻ sẽ “tiền trạm” xem khu vực làm tổ có đảm bảo an toàn hay không. Ở Côn Đảo, anh Vũ  cũng như ông Ái chứng kiến nhiều con rùa lên bãi thấy tiếng động, bóng người, ánh đèn lại đi xuống. Có con lên “thám thính” 2, 3 lần mới chịu đào tổ. Ở hòn đảo này, từ khi du lịch phát triển, bãi biển nào đẹp thì bãi ấy rầm rộ toàn người với người. “Nhắm đi nhắm lại 9 bãi trên Cù Lao Chàm chỉ có bãi Bấc là lý tưởng nhất. Vậy thì làm tổ ở đây thôi”, anh Vũ nói. 

Từ cầu cảng, muốn đến bãi Bắc phải chạy xe gần 5km trên con đường ôm sát biển. Bãi Bấc yên bình, cách xa khu dân cư, vắng bóng du khách. Phía xa xa là khu nghỉ dưỡng đang xây dở dang, như lời anh Vũ nói, “mình “làm dữ” quá nên họ dừng lại rồi!”.

Năm 2016, đề tài Phục hồi, bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm do cán bộ BQL Khu bảo tồn cùng ông Lê Xuân Ái xây dựng (thực hiện trong 3 năm 2017- 2020) được tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Việc đưa rùa về với hòn đảo này chính thức bắt đầu.

Trầy trật xin trứng


Trứng rùa biển xin từ Côn Đảo

Giới khoa học đánh giá giai đoạn từ tổ bò xuống biển là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời rùa, bởi đó là lúc rùa ghi nhận tất cả các thông tin đưa vào bộ nhớ. Khi trưởng thành (20 đến 30 năm sau) nó sẽ lấy lại thông tin này để quay về vị trí nơi nó bò xuống đầu tiên. Ấp nở trứng rùa trên đảo, Ban quản lý Khu bảo tồn hy vọng sau này, rùa sẽ quay về đây đẻ trứng nhiều như ở Côn Đảo.

Nhưng việc xin trứng rùa đem về ấp quá gay go, bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam làm chuyện này, chưa ai, chưa tổ chức nào từng đi xin trứng động vật quý hiếm. Anh Vũ chạy suốt 4 tháng trời lo các loại giấy phép “tặng - cho”, giấy phép vận chuyển, giấy phép kiểm dịch…Vì chưa có tiền lệ, mỗi người hiểu một kiểu, hoàn toàn lúng túng, càng làm càng rắc rối thêm. Thế rồi cán bộ BQL Khu bảo tồn phải đích thân vào xin Sở NN&PTNT, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Cuối cùng hai tỉnh cũng đồng thuận, Bộ NN&PTNT đồng ý chủ trương cho lần đi xin vô tiền khoáng hậu này.

Rùa biển thuộc nhóm Bò sát, xuất hiện trên trái đất cách đây hơn 200 triệu năm, trước khi các loài khủng long ra đời. Trong khi các loài khủng long đã bị tuyệt chủng thì rùa biển nhờ vào sự thích ứng của chúng với môi trường đại dương nên vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, rùa biển đang bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể cả ở trên thế giới và Việt Nam. 

Theo kết quả khảo sát gần đây của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chỉ riêng tại xã Tân Hiệp, có khoảng 350 hộ dân đang hoạt động khai thác xung quanh các đảo Cù Lao Chàm. Trong đó, nghề lưới 3 lớp thường xuyên có rùa biển mắc phải. Từ năm 2016 đến nay, có hơn 10 cá thể rùa biển bị mắc lưới của ngư dân, nhưng chỉ có duy nhất một cá thể được phát hiện và giải cứu kịp thời, còn lại đều bị chết trước khi được phát hiện. 

Tháng 3/2016 Bộ NN& PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển tại Việt Nam lần thứ 2, giai đoạn 2016-2025. Là địa phương đầu tiên trên cả nước hưởng ứng hành động này, Hội An đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phục hồi rùa biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2040. 
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay, chủ trương của thành phố là khôi phục vùng sống của rùa biển ở Cù Lao Chàm. Thực tế cho thấy, trước đây rùa biển về rất nhiều, nhưng do tác động của con người trong khai thác du lịch, đánh bắt nên rùa không còn không gian sống.

(Còn nữa)