Ngân hàng Nhà nước làm gì với những NH mua 0 đồng ?

Trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD thời gian qua, bên cạnh các thương vụ hợp nhất, sáp nhập theo hình thức tự nguyện, có những trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định mua toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng/cổ phần, cụ thể là trường hợp Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

NHNN sẽ làm gì với NH mua 0 đồng?

Đây là một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua. Trên thực tế, có một giải pháp được áp dụng đối với cả VNCB và OceanBank đó là, sau khi mua lại, NHNN đã chỉ định 01 NHTM nhà nước có đủ điều kiện, năng lực tham gia quản trị, điều hành ngân hàng được mua lại, cử cán bộ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, điều hành chủ chốt của ngân hàng. 

Cụ thể, NHNN đã chỉ định Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tham gia quản trị, điều hành VNCB và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tham gia quản trị, điều hành OceanBank. Cả hai ngân hàng này sẽ được chấn chỉnh, củng cố bộ máy quản trị, điều hành, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ và thành lập hội đồng thành viên, ban kiểm soát, ban điều hành mới theo đề án nhân sự được NHNN phê duyệt. Hệ thống mạng lưới chi nhánh của hai ngân hàng cũng sẽ được sắp xếp, cơ cấu lại cho phù hợp với định hướng phát triển kinh doanh mới an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí... Cả VNCB và OceanBank sẽ tập trung xử lý những tồn tại, yếu kém, trong đó trọng tâm là xử lý nợ xấu và tài sản không sinh lời; đồng thời từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh để tạo lợi nhuận duy trì bộ máy và bù đắp các tổn thất đã phát sinh.

Một câu hỏi khác được đặt ra, đó là các ngân hàng này sẽ hoạt động theo mô hình nào sau khi được cơ cấu lại? Phải chăng những ngân hàng này sẽ trở thành những NHTM Nhà nước vì NHNN đã sở hữu toàn bộ cổ phần?

Trả lời câu hỏi này, một lãnh đạo NHNN cho biết: “Sau khi những khó khăn, yếu kém được khắc phục một bước quan trọng và hoạt động của ngân hàng được NHNN mua lại về cơ bản ổn định và trở lại bình thường, giá trị doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu của ngân hàng được mua lại gia tăng, NHNN sẽ tiến hành thoái vốn thông qua sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng khác (trong đó ưu tiên sáp nhập vào NHTMNN để tăng quy mô và năng lực cạnh tranh của NHTMNN), cổ phần hóa hoặc bán cho nhà đầu tư tiềm năng…”.

Giải pháp “vẹn toàn”


Về nguyên tắc, một ngân hàng yếu kém có thể được xử lý theo các biện pháp: Tự tái cấu trúc hoặc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tự nguyện; hoặc can thiệp bắt buộc của Nhà nước hoặc phá sản. Tuy nhiên, thực hiện phá sản một ngân hàng hiện nay không đơn giản do những vướng mắc về pháp lý, sẽ kéo dài về thời gian, thủ tục phức tạp, ngoài ra có thể phát sinh hậu quả kinh tế - xã hội rất lớn như vấn đề thất nghiệp, các khoản tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại ngân hàng yếu kém không thu hồi được, dẫn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm, đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Khi xử lý ngân hàng yếu kém, NHNN ưu tiên, khuyến khích biện pháp như tự tái cấu trúc hoặc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tự nguyện. Trong trường hợp của VNCB và OceanBank, do không có khả năng tự tái cơ cấu, không sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được, nhưng việc chấm dứt hoạt động của hai ngân hàng này trong giai đoạn hiện nay có thể gây mất an toàn hệ thống các TCTD, do đó NHNN đã can thiệp bằng cách mua và tiếp quản ngân hàng để xử lý, tái cơ cấu. Giải pháp này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và thực sự là một giải pháp tối ưu khi vừa không để đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát, vừa có điều kiện tái cơ cấu, phục hồi ngân hàng và quan trọng hơn là giữ được sự ổn định của hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.

Về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá: “Thực chất, đây là biện pháp áp dụng đối với những ngân hàng yếu kém không thể tự tái cơ cấu và không tìm được đối tác sáp nhập, hợp nhất, mua lại phù hợp”. Đồng tình với những giải pháp và hướng đi mà NHNN đang triển khai, TS.Vũ Đình Ánh cho rằng: “Cuối cùng, mô hình của các NHTM này vẫn là ngân hàng TMCP chứ không phải là NHTM nhà nước như nhiều người lầm tưởng”.

Theo nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần của các ngân hàng yếu kém không hề mới lạ mà là việc làm có tính thông lệ của Chính phủ nhiều nước trong trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. 

Ngân hàng là trung gian tài chính, hoạt động của ngân hàng gắn với người gửi tiền, người vay. Bởi vậy, khi xử lý các NH yếu kém như VNCB và OceanBank, NHNN đã cân nhắc một cách thận trọng giữa lợi ích và chi phí tổng thể để lựa chọn giải pháp hợp lý nhất, đảm bảo không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống.