Cần giải quyết tố cáo với quan chức nghỉ hưu
Chiều 23/11, thảo luận Dự thảo Luật tố cáo sửa đổi, ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề nghị xem xét, giải quyết tố cáo cán bộ công chức viên chức đã nghỉ hưu. Vì trong thực tiễn xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi nhiều cán bộ lãnh đạo cận kề thời gian nghỉ hưu đã không vượt qua sự cám dỗ bình thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. “Chính vì thực trạng đó mà báo chí mới có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng như “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét cuối cùng”, để thể hiện thực trạng đáng buồn đó”, ông Cầu nói.
Phân tích cơ sở pháp lý của đề xuất trên, ông Cầu cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định nguyên tắc xử lý tham nhũng: Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện. “Hiện nay, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, nguyên tắc này vẫn được xác lập, không lẽ giờ triển khai ngược”, ông Cầu đặt câu hỏi.
Ủng hộ những phân tích trên, ĐB Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu khi còn là công chức bị vi phạm pháp luật mà chưa phát hiện. Theo ông Hòa, mặc dù Luật Công chức, viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với người đã nghỉ hưu, nhưng nếu không quy định sẽ bỏ sót vi phạm, dễ dẫn đến “hạ cánh là an toàn”.
Đề nghị chấp nhận tố cáo qua email, điện thoại
Đề cập các quy định về trách nhiệm của người tố cáo, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, các quy định trong dự thảo luật hiện nay là “quá cứng”, không khuyến khích được người dân tham gia tố cáo. Thực tế theo ông Diến, nhiều người sau khi tố cáo đã bị trù dập, ghét bỏ, có người phải xin chuyển công tác. Bên cạnh đó, có không ít công chức, viên chức tố cáo đúng nhưng sau này vẫn bị kiểm điểm, xử lý với lý do “biết nội dung vi phạm nhưng trong sinh hoạt hằng tháng không phê bình đồng chí mình để biết sửa chữa, ngăn chặn”.
Thậm chí theo ông Diến, có tổ chức lợi dụng các quy định “cứng nhắc” để xử lý người tố cáo vì cái tội “vạch áo cho người xem lưng”… “Những vấn đề nêu trên làm cho người dân không dám tố cáo, trong đó có công chức, viên chức. Cho nên, việc quy trách nhiệm người tố cáo, tôi đề nghị, quy định về trách nhiệm của người tố cáo cần “mềm” hơn để người tố cáo mạnh dạn thực hiện quyền của mình”, ông Diến nói.
Về các hình thức tố cáo, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) bày tỏ đồng tình với việc tiếp nhận hình thức tố cáo qua thư điện tử, điện thoại. Vị đại biểu này cho rằng quyền tố cáo được hiến định và theo luật quy định, cơ quan tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo qua các hình thức theo quy định của pháp luật.