Hứa suông
Trao đổi với Tiền Phong, Phó chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng cho biết, thành phố vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí vốn để thực hiện chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân ở buôn Sút M’gư, xã Cư Suê. “Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao làm việc này. Đến nay, thành phố chưa có nguồn chi trả cho bà con”, ông Thượng nói.
Còn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk Đinh Xuân Hà cho rằng, tỉnh đã giao UBND huyện Cư M’gar lên các phương án đền bù mới cho các hộ dân. “Dự án này có từ lâu, chúng tôi cũng đã họp để đưa ra phương án đền bù nào là hợp lý nhất”, ông Hà nói.
Theo hồ sơ, năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 8 (từ Km6+150 - Km8), qua đó đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất đối với 117 hộ dân với số tiền hơn 12 tỷ đồng (chưa kể còn có 12 hộ dân bị lấy đất, nhưng chưa lập danh sách đền bù). Người dân đồng ý bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư (Ban quản lý đầu tư xây dựng TP.Buôn Ma Thuột) thực hiện dự án. Thế nhưng, đường đã làm xong từ lâu, nhưng chủ đầu tư không chi trả tiền đền bù cho dân.
“Gia đình tôi bị thu hồi gần 1 sào đất, được đền bù hơn 500 triệu đồng. Tại các buổi họp cử tri, lãnh đạo HĐND tỉnh Đắk Lắk nói rằng, tới đây sẽ thông qua Nghị quyết để có tiền chi trả. Còn lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk trả lời chúng tôi bằng văn bản, nhưng tất cả đều chỉ là lời hứa suông”, ông Mai Văn Y (trú tại buôn Sút M’gưr) bức xúc.
Trắng tay vì mất đất
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Yên (SN 1970, trú tại xã Krông Jing) cho biết, năm 2009, UBND huyện Mđrắk ra quyết định thu hồi đất của gia đình ông và của hàng chục hộ dân khác để bàn giao mặt bằng cho Cty TNHH liên hợp công-nông nghiệp bền vững Sao Đỏ (Cty Sao Đỏ) làm dự án nuôi bò tại xã Ea Lai. Cụ thể, gia đình ông Yên bị thu hồi 1,7 ha đất (ở khu vực I) nằm ngay tại trung tâm dự án, với số tiền đền bù được phê duyệt hơn 700 triệu đồng.
Thế nhưng, đến nay hàng chục hộ dân này vẫn chưa nhận được tiền. Vừa mất đất sản xuất, không được hỗ trợ công ăn việc làm, gia đình ông Yên phải đi làm mướn, ở đợ, lâm vào cảnh trắng tay. “Tôi viết đơn cầu cứu khắp nơi, nhưng các cấp tỉnh Đắk Lắk cứ đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết”, ông Yên bức xúc.
Trước đó, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định cho Cty Sao Đỏ thuê 1.513ha tại thôn 8, xã Ea Lai (thời hạn 50 năm), để chăn nuôi 13.000 con bò; trồng ngô hạt, ngô non, đậu nành và các loại thức ăn cho bò; quản lý 71,5ha rừng, trồng 96,5ha rừng sản xuất… Tổng vốn đầu tư gần 224 tỷ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng). Dự kiến, quý IV năm 2012 dự án sẽ đưa vào khai thác sử dụng.
Để dự án được triển khai thuận lợi, UBND tỉnh Đắk Lắk còn lấy hơn 50 tỷ đồng ngân sách giao UBND huyện Mđrắk thực hiện đền bù, giải phòng mặt bằng tại dự án của Cty Sao Đỏ (Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư và cấp phó khi đó là ông Trần Hiếu ký quyết định giao tiền). Với việc chi sai nguyên tắc này, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi lại.
Theo Kết luận Thanh tra số 6451, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao 1.000,3ha đất, nhưng thực tế Cty Sao Đỏ chỉ quản lý, sử dụng hơn 454 ha. Hiệu quả dự án rất thấp so với kế hoạch được duyệt ban đầu. Tại thời điểm thanh tra (năm 2016), công ty đã trồng cỏ các loại để chăn nuôi bò chỉ đạt 24% so với kế hoạch; số đàn bò hiện có 3.232 (đạt 24,9% so với kế hoạch); tổng vốn đầu tư vào dự án đạt 56,19% so với kế hoạch được phê duyệt.
Nói về việc xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII, ông Đinh Xuân Hà cho biết, cơ quan chức năng đã làm việc với chủ đầu tư, đơn vị này đang có đơn khiếu nại Kết luận thanh tra 6451. “Dự án của Cty Sao Đỏ, Thanh tra tỉnh đã trả lời giải quyết khiếu nại, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đồng ý. UBND tỉnh đã họp để tiếp tục xử lý”, ông Hà nói.