Ngắm đồ dùng của người Việt cổ ở Làng Vạc

TPO - Những hiện vật, đồ dùng của người Việt cổ đã được các nhà khảo cổ học khai quật tại Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc có niên đại khoảng 2.500 năm trước - thời kỳ Vua Hùng dựng nước.

UBND thị xã Thái Hòa (Nghệ An) vừa long trọng tổ chức Lễ hội Làng Vạc lần thứ 24 tại Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, nay là thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Rạng Đông).

Lễ hội Làng Vạc được tổ chức 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức như rước vạc, rước trống đồng, đại tế. Phần hội là các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian sôi nổi. (Ảnh: Rạng Đông).

Ở phần nghi lễ, người dân tham gia lễ rước Vạc đồng và Trống đồng từ sân tổ chức lễ hội về đền thờ Làng Vạc để làm lễ đại tế. (Ảnh: Rạng Đông).

Theo nghi lễ, Ban tổ chức lễ hội tiến hành lễ tế dâng hương tại điện thờ, tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng và công ơn giữ nước của các bậc tiền nhân, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. (Ảnh: Rạng Đông).

Làng Vạc là di chỉ khảo cổ học được các nhà khảo cổ học phát hiện và tiến hành khai quật qua các năm 1972, 1973, 1981 và 1990 với quy mô 20.000 m2. (Ảnh: Rạng Đông).

Di chỉ khảo cổ Làng Vạc có niên đại khoảng 2.500 năm trước - thời kỳ Vua Hùng dựng nước. Trên mảnh đất thiêng liêng này, cha ông ta đã tổ chức lao động, sản xuất, an cư lập nghiệp, đã sáng tạo ra những công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí tinh xảo, tạo dựng nên một nền văn minh rực rỡ. (Ảnh: Rạng Đông).

Qua nhiều cuộc khai quật với 347 ngôi mộ và 1.228 hiện vật bằng đồng, đá, thủy tinh và bằng sắt với những hoa văn thời kỳ văn hóa Đông Sơn, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước kết luận: Làng Vạc là trung tâm văn hóa Đông Sơn vĩ đại trên lưu vực sông Cả, là cái nôi của người Việt cổ cực kỳ quan trọng không những của nước ta mà của khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Rạng Đông).

Làng Vạc là trung tâm kinh tế chính trị khá quy mô thời Hùng Vương. Đặc trưng văn hóa Làng Vạc đã góp phần khẳng định nền văn minh Việt cổ thuộc thời đại Hùng Vương không chỉ tồn tại ở vùng sông Hồng, sông Mã mà còn tồn tại ở vùng sông Lam. Trong ảnh là những vật dụng, vòng tay bằng đá, bằng đồng của người Việt cổ. (Ảnh: Rạng Đông).

Trong số những hiện vật đồng thu được ở làng Vạc, đáng chú ý nhất là 5 chiếc trống đồng và hàng nghìn hiện vật như rìu đồng, đồ trang sức, tượng người, tượng voi, ngựa… (Ảnh: Rạng Đông).

Chính vì những giá trị khảo cổ học to lớn đó, di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích cấp quốc gia. (Ảnh: Rạng Đông).

Những chiếc bình, chum bằng gốm của người Việt cổ được người dân phát hiện, sưu tầm và cúng tiến lên đền Làng Vạc. (Ảnh: Rạng Đông).

Trong lễ hội Làng Vạc, ngoài các nghi lễ linh thiêng, người dân còn được hòa mình vào nhiều trò chơi dân gian sôi động như kéo co, bóng chuyền, ném còn.... Lễ hội là dịp để đồng bào các dân tộc trên đất Phủ Quỳ hội tụ, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, khai tâm công đức hướng về cội nguồn, giáo dục ý thức bảo vệ giữ gìn di tích, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, từ đó xây dựng niềm tin, lòng tự hào về quê hương đất nước. (Ảnh: Rạng Đông).