> Chuyện thầy đồ 'ét-vê' nơi Văn Miếu
> Phố ông Đồ xuân Nhâm Thìn khai hội
Con phố ông đồ nằm bên hông Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong ngày Rằm tháng Giêng đượm nắng sau những ngày mưa rét, càng làm sinh sắc, sáng trong hơn những sắc đỏ giấy, ánh mực xạ lấp lánh.
Không gian nhỏ nơi đây trở nên nhộn nhịp hơn với việc múa bút thực hiện bức trường – thư pháp (chứ không phải đại thư pháp). Theo thầy đồ Xuân Phương, đây là bức thứ ba những “thầy đồ” tại Văn Miếu thực hiện. Trước đó, trong ngày khai xuân Nhâm Thìn, gần 30 người nối tiếp nhau viết nên bức thư pháp trong cửa Khổng sân Trình.
Bức thứ ba trong chiều 6-2 này chỉ có 7 người thực hiện. Nhưng các thầy đồ cũng phóng tay khoáng hoạt, thể hiện những con chữ bay bổng trên dải giấy trắng.
Khác với những bức thư pháp khác, tác phẩm này có đủ cả thư pháp chữ Quốc ngữ (kí tự La tinh) lẫn thư pháp chữ Hán. Trong đó, thư pháp Hán được thể hiện đủ lối chữ của Hán tự: Khải, Thảo, Hành, Triện. Thư pháp chữ Quốc ngữ vẫn thể hiện bằng lối Mai.
Đặc biệt, nhiều người khá ấn tượng với chữ Thập - Toàn - Đại - Bổ. Bốn chữ nhưng được thể hiện trong một bố cục như của một chữ. Phải nhờ tới sự chỉ dẫn của tác giả, nhiều người xem mới thấy được ý vị của tiểu tác phẩm này.
Nhiều câu chữ cũng được thể hiện khá ý vị như mở đầu là Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện; kết thúc bằng chữ Sơn; Minh Tĩnh Hòa Viên…
Bức thư pháp dài nhất này như một hoạt động nổi nhất của phố ông đồ trong những ngày giữa tháng Giêng Nhâm Thìn. Đây cũng như thay cho lời kết khép lại mùa khai hội múa bút “cho chữ’ nơi phố ông đồ Văn Miếu – Quốc Tử Giám.