'Ngài rung chuông vàng' giáo dục Việt

TP - 15 năm ở Việt Nam, Khalid để lại dấu ấn đậm nét trong hành trình xây dựng mô hình giáo dục đẳng cấp quốc tế. Tháng 10-2008, ông nhận Huân chương của Nữ hoàng Anh dành cho những người có đóng góp vì sự nghiệp phát triển giáo dục ở nước ngoài.

Cách đây hai năm, người đàn ông quốc tịch Anh tiếp bước cho một hành trình mới: Đồng sáng lập Đại học Anh quốc - British University Vietnam (BUV). Trên con đường ông đi, có tham gia của Chính phủ Anh, với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Anh tham gia vào Hội đồng quản trị trường và Sir Graeme Davies - Hiệu trưởng BUV, người từng là Hiệu trưởng của 3 trường ĐH danh tiếng: Đại học Glassgow, Liverpool và ĐH London.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Khalid khi ông vừa trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho chương trình tuyển sinh niên khóa thứ 3 của BUV.

Ngọn núi của tôi là nền giáo dục Việt Nam

Thưa ông Khalid Muhmood, nhìn lại chặng đường 15 năm qua của ông ở Việt Nam, tự dưng tôi liên tưởng tới những ngọn núi. Có thể coi Apollo là ngọn núi thứ nhất mà ông đã leo lên tới đỉnh; và giờ ông đang bắt đầu những bước đầu tiên để chinh phục đỉnh núi thứ 2 là BUV...

Ồ, không hẳn là như vậy. Tôi chỉ có một ngọn núi là nền giáo dục Việt Nam. Apollo hay giờ đây là BUV là các chặng đường tiếp nối nhau, những chặng dừng nhỏ trên con đường của chúng tôi. Với BUV hiện nay, tôi mong muốn mang tới các bạn học sinh Việt Nam thêm một lựa chọn cho kiến thức của mình, đem lại cơ hội này cho nhiều học sinh Việt Nam hơn.

Có thể nói, ông đang song hành cùng với giáo dục Việt Nam trong quá trình vươn tới đẳng cấp quốc tế. Đến thời điểm này, ông nghĩ mình đã bước qua giai đoạn nào, đã làm gì, đang làm gì? Mơ ước cuối cùng của ông cho ngọn núi giáo dục Việt Nam là gì?

Vì bạn đã dùng hình tượng ngọn núi nên tôi có thể trả lời như thế này. Bạn không thể ngừng leo núi trong khi vẫn còn yêu thích việc đó. Nhưng cuộc sống không giống như một ngọn núi, mà nó luôn phát triển. Không bao giờ chúng ta chạm tới đỉnh cả.

Với BUV, đó là dự án 50 năm, 100 năm thậm chí dài hơn nữa. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, đến một lúc nào đó, nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành và chúng tôi sẽ dừng lại.

Nhiều người từng nói: “Làm thầy giáo ở Việt Nam rất tuyệt”. Nhưng là một nhà đầu tư giáo dục như ông thì sao nhỉ? Theo ông, đầu tư giáo dục ở Việt Nam có thuận lợi không, so với các nước khác thì như thế nào?

Thành lập một trường ĐH ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng khó khăn. Nhất là về thủ tục hành chính và pháp luật.

Chúng tôi có sự ủng hộ chính phủ Việt Nam, có sự tham gia của chính phủ Anh nhưng vẫn còn khó khăn. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi không nên phàn nàn về điều này bởi thành lập một trường đại học liên quan tới rất nhiều vấn đề, ở nước nào trên thế giới cũng khó, không riêng gì Việt Nam.

Còn về thuận lợi, chúng tôi đang có Đại sứ Anh tham gia vào HĐQT nên nhận được sự điều hành của Chính phủ Anh, đó là thuận lợi so với công việc của các đồng nghiệp của chúng tôi ở các nước khác. Đồng thời chính phủ Anh cũng rất ủng hộ và giúp chúng tôi khi làm việc giữa hai chính phủ, vì BUV cũng chính là một trong những dự án trọng điểm về giáo dục trong quan hệ chiến lược giữa hai nước Anh và Việt Nam. Một điểm thuận lợi lớn nữa chính là sự ủng hộ và tin tưởng của phụ huynh học sinh và đam mê học hỏi của sinh viên, điều đó tạo nên thuận lợi mà không phải dễ gì có được từ các nước khác.

Nhưng nếu quý vị hỏi chính phủ Anh, hỏi Đại học Staffordshire hay hỏi ĐH London, hay hỏi chính tôi rằng đầu tư BUV có lợi không thì câu trả lời của chúng tôi là KHÔNG. Chúng tôi xây dựng ngôi trường này không phải mục đích chính để kiếm lợi nhuận.

“Đẩy” giáo dục không phải bằng… xây nhà cao tầng

Cơ sở của trường đại học (dù là Đại học Quốc tế) là giáo dục phổ thông. Thành thực mà nói, giáo dục phổ thông ở Việt Nam có cung cấp cho các ông nguồn nguyên liệu tốt không?

Tôi thấy một điều rất tuyệt với là sinh viên Việt Nam nói chung có 3 ưu điểm: nhanh nhẹn, có đam mê và chăm chỉ ham học hỏi. Công bằng mà nói môi trường đại học mới chính là nơi học sinh phát triển được tiềm năng tốt nhất, được mài sắc cả về kiến thức và kỹ năng.

Ông có biết rằng, nhiều người sẽ nói ông quá lạc quan?

Tôi có lý do để nói thế. Ưu điểm của sinh viên Việt Nam là họ chăm chỉ, học rất nhanh, có đam mê. Vấn đề chỉ là môi trường học. Nơi họ học trước đó không giúp họ phát huy hết các tiềm năng của họ. Chỉ cần được đặt vào một môi trường tốt là sinh viên phát triển tốt.

Việc phát triển giáo dục ở một quốc gia không thể nói đến những tòa nhà cao tầng, những cơ sở vật chất. Tôi đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, Singapore, Australia, Anh..., tôi thấy sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài rất giỏi.

Vậy theo ông, điểm yếu nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay là gì?

Đó chính là đầu tư vào con người, vào giảng viên còn quá ít trong khi lại đầu tư quá nhiều cho cơ sở vật chất và trang thiết bị. Ở một số trường tư thục, đầu tư cơ sở vật chất nhiều, không đầu tư vào giáo viên. Giáo viên không tốt bằng ở trường công lập.

Ông Khalid Muhmood và vợ.

Chỉ mang tới “sự khác biệt nhỏ”

Ông có thể chia sẻ, triết lý giáo dục của ông, hay những mục tiêu cụ thể của các ông ở Việt Nam là gì?

Nhìn vào hệ thống giáo dục Anh, chúng tôi tự hào rằng, nó không chỉ mang tới kiến thức, vì kiến thức chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều nơi. Điều bạn nhận được ở hệ thống giáo dục Anh quốc là bạn học về bản thân mình, bạn thấy được điểm mạnh điểm yếu của mình, nhận ra và phát triển những tiềm năng vốn có của mình.

Còn nếu như nhìn vào một số trường ĐH Việt Nam, học sinh ở trong lớp chỉ nghe và chép, gần như ngủ gật. Nhiều trường đã thay đổi giáo viên nước ngoài thay cho giáo viên Việt Nam nhưng cách học vẫn như vậy. Đó không phải là giáo dục quốc tế.

Vì vậy, chúng tôi muốn tạo ra một sự khác biệt nhỏ. Chúng tôi hướng tới mục tiêu tạo cơ hội cho những sinh viên ở Việt Nam có những điều kiện như các em đang học ở nước ngoài, tạo ra một môi trường tốt nhất có thể để sinh viên khám phá hết các tiềm năng của mình.

Theo Báo giấy