Nga ‘điều động’ hai tên lửa khủng trong kho vũ khí

Nga đang sở hữu rất nhiều tên lửa khủng, trong những động thái mới đây nhất Nga đã điều động tên lửa Iskander-M tới Syria và tên lửa đạn đạo Yars triển khai ở Irkutsk, Siberia.
Tên lửa RS-24 Yars (NATO gọi là SS-29) là một phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M

Tên lửa đạn đạo Yars “lộ diện” ở Siberia

Đã có ít nhất 15 hệ thống tên lửa di động RS-24 Yars đang được Lực lượng tên lửa chiến lược Nga triển khai tại các đơn vị ở Novosibirsk và Tomsk thuộc Siberia.

Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược, tướng Sergey Karakayev cho biết:“Lực lượng tên lửa ở Irkutsk, Siberia đã bắt đầu được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars thế hệ mới theo cấp trung đoàn, và đưa vào hoạt động vào cuối năm”.

Tên lửa RS-24 Yars (NATO gọi là SS-29) là một phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M, được phóng thử lần đầu vào năm 2007. RS-24 Yars có thể mang theo 6 đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu độc lập, trong khi Topol-M chỉ mang được một đầu đạn.

Yars có tính cơ động rất cao

Ngoài các đầu đạn, Yars còn có thể mang tổ hợp, các phương tiện đột phá phòng thủ tên lửa nên gây khó khăn lớn cho đối phương trong việc phát hiện và chặn đánh tên lửa.

Cải tiến mới này làm cho RS-24 trở thành tên lửa chiến đấu đầy hiệu quả, nhất trong bối cảnh Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu. RS-24 thậm chí có thể lắp đặt trên đường sắt.

Iskander-M trực chiến tại Syria

Trang tin quân sự Debka ngày 30/3 cho biết, ngay sau khi Nga bắt đầu rút lực lượng máy bay chiến đấu ở căn cứ Hmeymin, thì thay thế vào đó là việc điều động hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M tới Syria.

Tầm bắn của tên lửa Iskander - Ảnh: DEBKA

Bằng chứng cho chuyện này là kênh truyền hình Zvezda TV hôm 27/3 đã công bố một hình ảnh cho thấy xe phóng tự hành của tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander xuất hiện ở phía Đông đường băng căn cứ Hmeymin. Trước đó, một vệ tinh của cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu cũng ghi nhận được một phương tiện xe phóng dài khoảng 13m ở căn cứ này.

Bệ phóng tên lửa lưu động của Iskander-M có thể chứa hai quả tên lửa. Chỉ cần vài phút để chuẩn bị cho việc phóng và hai tên lửa có thể phóng độc lập. Trong quá trình chiến đấu, nhóm điều khiển hệ thống tên lửa có thể điều chỉnh lại mục tiêu, chỉnh sửa nếu cần thiết để có thể nhằm vào những mục tiêu đang di chuyển của kẻ địch.

Tên lửa Iskander-M gần như không thể bị bắn hạ

Một tính năng đặc biệt khác nữa của tên lửa Iskander-M là khả năng kiểm soát đầu đạn của nó bằng một sóng radio được mã hóa mà ngay cả các máy bay không người lái và máy bay cảnh báo sớm cũng không thể đánh chặn. Chính vì thế mà tên lửa có thể lao thẳng tới mục tiêu mà gần như không thể bị bắn hạ.

Theo Theo Công an TPHCM