Theo Militarywatch, Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, tướng Jeffrey Lee Harrigian, nói về một vụ tấn công tiềm tàng như sau: “Nếu chúng ta phải tới đó để tiêu diệt, ví dụ hệ thống phòng không tích hợp ở Kaliningrad, chắc chắn là chúng ta có kế hoạch cho chuyện đó.
Chúng ta huấn luyện để làm việc đó. Chúng tôi luôn nghĩ về kế hoạch đó và… nếu có kết quả, chúng ta sẽ sẵn sàng thi hành”, tướng Harrigian đề cập “một năng lực hiệu quả, đúng lúc và đa nền tảng mà chúng tôi sẽ mang ra để đảm bảo chúng tôi có thể tiếp cận những gì mình muốn trong môi trường đó”, ý nói tiếp cận được vùng Kaliningrad tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của nước Nga, bằng việc vô hiệu hóa các máy bay chiến đấu và lực lượng phòng không Nga tại đây để mở đường cho bộ binh, do đó đây là cơ hội để NATO có thể tiến chiếm và khống chế khu vực này.
Theo một viên tướng NATO khác, một cuộc tấn công như thế sẽ sử dụng đến chiến thuật kết hợp không quân, lục quân, hải quân, không gian mạng và tác chiến điện tử, cho dù ông này không nói cụ thể các loại vũ khí nào có thể được sử dụng.
Tuyên bố của phía Mỹ về một kế hoạch tấn công trong mắt người Nga là một hành động gây hấn cấp độ cao, đặc biệt trong bối cảnh đang có những căn thẳng xung quanh khu tự trị Kaliningrad bao gồm các đợt tập trận tấn công có sự tham gia của các máy bay ném bom B-52H mang tên lửa hành trình.
Nga đã bố phòng dày đặc tại vùng Kaliningrad với hơn 50 xe phóng tên lửa. Năm 2018, một tiểu đoàn tăng mới được thành lập trong khi lực lượng mặt đất tại đây đã rất hùng hậu, với các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M. Chưa kể chúng còn được hỗ trợ bởi các máy bay ném bom và tiêm kích đánh chặn hạng nặng Tu-160 với tên lửa không đối đất Kh-101 và MiG-31 với tên lửa Kh-47M2.
“Sự nhẹ dạ của tướng Jeffrey Lee Harrigian, Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, và niềm tin ngây thơ trong “kế hoạch” khống chế và chiếm giữ Kaliningrad, nên là mối quan tâm chính trong các báo cáo của ông ta”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố và nói Nga dư sức bảo vệ vùng Kaliningrad.
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga, việc Moscow triển khai các tên lửa đạn đạo có tầm bắn lớn hơn tới Kaliningrad bên bờ biển Baltic trở nên hợp pháp và hoàn toàn có thể xảy ra.