Nếu đắc cử, ông Biden liệu có tiếp tục chính sách thuế của ông Trump? Liệu chính quyền mới có cấm các thiết bị của Huawei? Liệu Mỹ có tiếp tục cứng rắn trong vấn đề biển Đông trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng? Đó là một số những câu hỏi mà dư luận đang quan tâm trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Bất kể hai đối thủ Trump và Biden công kích nhau là yếu đuối với Trung Quốc, các chuyên gia nói rằng dù ai thắng trong cuộc bầu cử cuối năm nay, dù các cố vấn về chính sách đối ngoại của họ trong giai đoạn tranh cử là ai thì cả hai đều sẽ không nhấn nút cài đặt lại quan hệ với Bắc Kinh sau khi cuộc bầu cử qua đi.
“Đã có thay đổi thực sự về tư duy trong cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tôi không cho rằng chúng ta sẽ trở lại với quan hệ Mỹ - Trung của những năm 1990”, bà Elizabeth Freund Larus, trưởng khoa chính trị và quan hệ quốc tế tại ĐH Mary Washington, Mỹ, nói với SCMP.
Hồi đó, quan điểm của Washington đối với quan hệ Mỹ - Trung được định hình bởi suy nghĩ rằng các doanh nghiệp, công nghệ và trường đại học của Mỹ cuối cùng sẽ thuyết phục được Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và hệ thống chính trị. Nhưng giờ các ứng viên tổng thống Mỹ và các cố vấn của họ đều nhận ra thực tế không như họ mong đợi.
Ông Trump và các cố vấn cứng rắn với Trung Quốc, dẫn đầu là Ngoại trưởng Mike Pompeo, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, đều đóng vai trò rất nổi bật. Họ có thể sẽ tiếp tục những vị trí đó nếu ông Trump tái đắc cử, các chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, ông David Lewis, một giáo sư về khoa học chính trị tại ĐH Vanderbilt, Mỹ, cho rằng dù ai ở ai đi thì chính sách đã được định hình. “Chính sách Trung Quốc dường như được lèo lái bởi tổng thống là chính, chứ không phải các cố vấn”, ông Lewis đánh giá.
Trong khi đó, ông Biden, người từng là phó tổng thống dưới thời chính quyền Obama, đã quy tụ đội ngũ cố vấn từ chính quyền trước, trong đó có ông Antony Blinken, một cựu thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia. Ngoài ra còn có ông Jake Sullivan, cựu cố vấn về an ninh quốc gia của ông Biden khi còn trong chính quyền; Ely Ratner, cựu cố phó cố vấn an ninh quốc gia; Kurt Campbell, cựu thứ trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương; và Jung Pak, cựu sĩ quan tình báo Mỹ và là một chuyên gia về Triều Tiên.
Một dấu hiệu cho thấy đội ngũ này đang điều chỉnh tư duy so với thời chính quyền Obama là việc hai ông Ratner và Campbell thừa nhận trong bài viết đăng trên Foreign Affairs năm 2018 rằng Mỹ đã “đánh giá thấp Trung Quốc tham vọng và bấp bênh như thế nào”.
“Để giải quyết thách thức này một cách đúng đắn đòi hỏi phải từ bỏ kỳ vọng từ lâu đã định hình cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc”, hai tác giả viết.
Trong bài viết chung với nhà sử học Hal Brands trên tạp chí Foreign Policy hồi tháng 5, ông Sullivan nói rằng “những dấu hiệu Trung Quốc đang cất cánh để thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ là không thể nhầm lần, và có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu”.
Một báo cáo phản gián của Mỹ công bố vào đầu tháng 7 vừa qua nói rằng Trung Quốc coi ông Trump là người “không thể đoán trước” và rằng cộng đồng tình báo “đánh giá Trung Quốc không thích ông Trump tái đắc cử”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thực tế có thể không đơn giản như vậy. Có một số kỳ vọng ở Trung Quốc rằng nếu ông Biden đắc cử, một số vấn đề như chiến tranh thương mại sẽ kết thúc, nhưng có thể họ không biết rằng lòng tin ở Mỹ nói chung, bao gồm cả ông Biden và các cố vấn, đối với Trung Quốc đang ở mức thấp như thế nào.
Giới chuyên gia cho rằng đối với Trung Quốc, hai ứng viên có thể khác nhau về phong cách hơn là về chính sách thực sự.
Các tổng thống trước như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều “nói rắn” về Trung Quốc trong lúc tranh cử, “rồi sau đó thiết lập những chính sách thực tế hơn sau khi đã vào Nhà Trắng”, ông Allen Carlson, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương tại ĐH Cornell, nhận xét.
“Rồi sau đó ông Trump trở thành người ngoại lệ” không chỉ vì nói “rắn hơn” với Trung Quốc so với những người tiền nhệm mà cả cách làm khó đoán, ông Carlson nhận xét.
Các chuyên gia cho rằng trong môi trường chính trị hiện nay, ông Biden và các cố vấn có khả năng sẽ tiếp tục duy trì áp lực lên Bắc Kinh, thậm chí sau khi điều chỉnh từ giai đoạn vận động tranh cử sang điều hành thực tế.
“Thế giới đã thay đổi. Thực tế đã chuyển dịch rất nhiều ở Trung Quốc và Washington đến mức tôi sẽ sốc nếu chúng ta chứng kiến một sự đảo ngược đáng kể trong chính quyền Biden để mềm mỏng hơn với Trung Quốc”, ông Bill Bishop, một nhà phân tích về Trung Quốc, đánh giá.
Ông Tập Cận Bình thành mục tiêu
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang bị cả hai đảng Mỹ chỉ trích vì nhiều chính sách đối nội và đối ngoại, từ biển Đông lên núi Himalaya.
Chiến dịch quảng bá của đảng Dân chủ thậm chí gọi thẳng tên ông Tập khi nói đến vấn đề Hong Kong, đồng thời nhấn mạnh những hành vi “bắt nạt” mà Trung Quốc thực hiện trên biển Đông, cảnh báo rằng quan hệ đồng minh của Mỹ ở Đông Á bị suy giảm “sẽ trở thành một món quà đối với Trung Quốc”.
Bà Larus cho rằng “ngay cả khi đảng Dân chủ lên nắm quyền, Mỹ sẽ dùng liều thuốc thực sự mạnh để cạnh tranh và thách thức Trung Quốc – sau khi trải qua sự thất vọng nói chung và kỳ vọng phi thực tế”.
Nhưng dù tiếp tục đường lối cứng rắn như hiện nay, ông Biden sẽ vẫn có nét khác so với ông Trump, các chuyên gia nhận định. ‘
“Ông Trump thích tranh đấu, thích game. Ông Biden có phong thái ngoại giao hơn. Ông Biden có thể cứng rắn, nhưng theo kiểu nắm đấm dưới găng tay nhung”, bà Larus nói.
Ông Bishop cho rằng nếu ông Biden lên nắm quyền, Mỹ sẽ có “cách tiếp cận chiến lược hợp lý hơn với Trung Quốc, và đó sẽ là điều tồi tệ hơn với Trung Quốc”.