​Nếu Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương: Hậu quả sẽ kinh hoàng

TP - Triều Tiên vừa tuyên bố họ có thể thử vũ khí hạt nhân ở nơi nào đó trên Thái Bình Dương. Nếu họ thực sự làm như vậy thì đó sẽ là lần đầu tiên vũ khí hạt nhân được kích hoạt trên không sau mấy chục năm qua.

Lời đe dọa này có nguy cơ khiến tình hình vốn đã mong manh lại càng trở nên nguy hiểm hơn, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu của ông trước Liên Hợp quốc dọa sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên. Vậy làm thế nào Bình Nhưỡng có thể thực hiện một vụ thử hạt nhân trên Thái Bình Dương và tác động của nó sẽ ra sao?

Triều Tiên đã cố gắng không ngừng nghỉ để phát triển các loại tên lửa có thể vươn tới Mỹ và các đồng minh cũng như gắn đầu đạn hạt nhân thu nhỏ vào chúng. Sau 6 vụ thử hạt nhân và nhiều lần thử tên lửa, Bình Nhưỡng đã tiến rất gần mục tiêu của họ, giới chuyên gia nhận định.

Trước câu hỏi rằng khi nào chúng ta biết chắc chắn Triều Tiên đã có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, ông Jeffrey Lewis, chuyên gia về chống phổ biến vũ khí, đùa rằng “bạn sẽ biết khi nào thấy một quầng sáng chói”. Ông Lewis, nhà nghiên cứu đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), đồng ý với ý kiến của nhiều chuyên gia rằng, chúng ta chỉ có thể biết chắc chắn khi nào Triều Tiên thực sự làm như vậy.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ hoạt động dựa trên mặc định rằng Triều Tiên đã đạt tới khả năng này. “Tôi biết đang có những tranh luận về mức độ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân mà Bình Nhưỡng đã đạt được. Nhưng PACOM (Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ) phải chuẩn bị để chiến đấu ngay tối nay, vì thế tôi hiểu ý ông ấy (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) là như vậy. Tôi phải giả định rằng những tuyên bố của ông Kim là thật”, Đô đốc Mỹ Harry Harris, Tư lệnh PACOM, phát biểu hồi tháng 6 năm nay.

Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tuyên bố hôm 22/9 nhằm đáp trả Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN.

Bài học quá khứ

Dù về lý thuyết có thể thả bom hạt nhân từ máy bay, nhưng các nhà phân tích về Triều Tiên cho rằng, nước này có khả năng sẽ chọn tên lửa, vì cách này sẽ giúp họ phô diễn công nghệ mới nhất và phức tạp nhất. “Kịch bản tồi tệ nhất là một vụ thử Juche bird”, ông Vipin Narang, giáo sư ngành khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), chuyên gia về chính sách hạt nhân và phòng ngừa, nói.

Cụm từ “Juche bird” thường được các chuyên gia trong ngành sử dụng với hàm ý nói về vụ thử hạt nhân năm 1962 với mật danh Frigate Bird. Trong vụ thử này, một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ tàu ngầm của Mỹ về phía đảo Giáng sinh và đã nổ trên Thái Bình Dương. Truyền thông Triều Tiên thường dùng từ “Juche” với ý nghĩa là tư tưởng tự lập.

Khi nói về khả năng thử vũ khí hạt nhân trên Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho, nói rằng, quyết định cuối cùng nằm trong tay ông Kim Jong-un. “Tôi nghĩ họ đã thông minh khi nói về khả năng tồi tệ nhất nhưng vẫn để lại dư địa để rút khỏi điều đó”, ông Narang nói với CNN. Chuyên gia này cho rằng, có khả năng Triều Tiên trước mắt sẽ có hành động quy mô nhỏ, như thử thêm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Juche bird là người đập bóng số một (thuật ngữ bóng chày - PV) của họ bây giờ”, ông Narang nói.

Nhưng ông Lewis tin rằng sẽ rất nguy hiểm nếu không coi tuyên bố của Triều Tiên là nghiêm túc. “Chúng ta thách thức người Trung Quốc năm 1966 (khi Trung Quốc thử một tên lửa hạt nhân) và họ đã làm. Giờ chúng ta đang thách thức Triều Tiên”, ông Lewis nói.

Chưa tính đến thất bại chính trị, việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương sẽ tàn phá môi trường. Những người sống gần đảo Bikini, nơi Mỹ thử nhiều vũ khí hạt nhân vào giữa và cuối thế kỷ 20, đến nay vẫn gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Vụ nổ do bom hạt nhân tạo ra phá hủy hoặc làm ô nhiễm cá, các loài thủy sinh, gây ra những hậu quả không thể tính toán được.

Thế giới chưa đối mặt với vụ thử hạt nhân trên không nào từ năm 1980 khi Trung Quốc kích hoạt vũ khí hạt nhân của họ ở Lop Nur, miền tây bắc Trung Quốc, theo thông tin từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stokholm.

Trong số hơn 2.000 vụ thử được tiến hành từ khi mới xuất hiện vũ khí hạt nhân, hơn 100 vụ diễn ra tại những địa điểm xa xôi trên Thái Bình Dương. Trên quần đảo Marshall, nơi Mỹ cũng đã thử vũ khí, người dân địa phương đến nay vẫn đang gặp nhiều vấn đề sức khỏe như tỷ lệ mắc ung thư, dị dạng bẩm sinh và rối loạn tuyến giáp cao. Nhưng tổn thất với con người có thể hạn chế nếu Triều Tiên lựa chọn một nơi cực kỳ xa xôi, giới phân tích cho biết.

“Điều đó thực sự phụ thuộc vào vị trí họ cho nổ thiết bị và thời tiết lúc thử như thế nào”, bà Melissa Hanham, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chống phổ biến vũ khí hạt nhân, cho biết. “Sau những vụ thử trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta hiểu rằng có những tác động môi trường dai dẳng vẫn ảnh hưởng lên con người”, bà Hanham nói.

“Trả miếng” ông Trump

Đáp lại lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng có thể sẽ “phá hủy hoàn toàn Triều Tiên”, hôm qua, trong một tuyên bố trực tiếp hiếm hoi trước ống kính, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, ông Trump sẽ phải “trả giá đắt” vì đe dọa Triều Tiên, và nước này “sẽ cân nhắc nghiêm túc việc triển khai biện pháp đối phó cứng rắn mức độ cao nhất trong lịch sử”.

“Giờ tôi đang nghĩ nhiều về việc ông ấy chờ đợi sẽ được đáp trả như thế nào khi có thể thốt ra những từ ngữ quái gở như vậy…Tôi chắc chắn sẽ trị kẻ rối loạn tâm thần Mỹ bằng lửa”, ông Kim tuyên bố. Vài giờ sau đó, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói trước các phóng viên tại New York rằng, Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa hạt nhân để đáp trả. “Đó có thể là vụ thử bom nhiệt hạch mạnh nhất trên Thái Bình Dương. Dù biện pháp gì sẽ được triển khai thì tôi cũng không thực sự biết vì đó là điều ông Kim Jong-un làm”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Ri.