Phù hợp xu hướng tiêu dùng
Khi thấy giá thanh long “chạm đáy”, chỉ còn vài trăm đồng/kg nhưng vẫn không có người mua, cô gái quê Bình Thuận Trần Thị Kim Lĩnh (31 tuổi) không khỏi xót xa. Lĩnh quyết định tìm cách chế biến từ trái thanh long. Khi còn là sinh viên năm nhất chuyên ngành Công nghệ, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, Lĩnh đã bắt tay vào nghiên cứu, chế biến các sản phẩm nước giải khát từ trái thanh long.
“Tôi không nhớ mình đã thất bại bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần thất bại, quyết tâm của tôi lại bùng lên mạnh mẽ hơn. Tôi muốn tự “giải cứu” vườn thanh long của gia đình, nếu thành công sẽ hỗ trợ thêm bà con xung quanh”, Lĩnh nhớ lại.
Nhờ sự bền bỉ, cuối cùng sản phẩm đầu tay là nước thanh long lên men tự nhiên đã thành công. Bình quân 8 kg trái tươi sẽ cho ra 1 lít nước ép lên men. Hiện mỗi năm, cơ sở sản xuất của Lĩnh cung ứng trên 45.000 lít nước ép thanh long các loại, tương đương khoảng 3.000 - 5.000 lít/tháng.
Thừa thắng xông lên, Lĩnh nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm được chế biến từ thanh long như: rượu thanh long, siro, mứt, kẹo dẻo, mạch nha… Lĩnh chia sẻ, muốn sản xuất sản phẩm chất lượng, yêu cầu đầu tiên là nguyên liệu đầu vào phải sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Lĩnh đã liên kết với các nhà vườn trồng thanh long sạch trên địa bàn để có nguyên liệu đạt chuẩn, đồng thời giúp người trồng thanh long giảm áp lực chuyện “được mùa mất giá”.
Chọn bưởi da xanh của quê hương Đồng Tháp để khởi nghiệp, chị Trần Thụy Hải Ly, chủ cơ sở kinh doanh snack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt cho biết, bưởi chỉ dùng phần ruột còn vỏ bỏ đi hoặc bưởi non bị bỏ bớt để dưỡng trái. Tiếc phần bỏ đi này, chị nảy ra ý định làm snack từ vỏ bưởi sấy giòn. Snack bưởi được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng các chất bảo quản hay phụ gia. Không giống với những loại mứt vỏ bưởi khác trên thị trường, sản phẩm này được lát mỏng, có độ giòn, vị ngọt, chua nhẹ, hơi the nhưng không đắng. Sản phẩm được dùng như một món ăn vặt.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chị Ly chế biến đa dạng sản phẩm với nhiều hương vị khác nhau khi sấy với đường cát trắng, đường phèn hoặc mật ong (dành cho người bệnh tiểu đường). Cuối năm 2019, sản phẩm bưởi sấy giòn Phúc Đạt có thêm nhiều khách đặt hàng. Nhận thấy tiềm năng, chị Ly đầu tư mở rộng sản xuất và đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời, chị đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc và bao bì sản phẩm. Hiện sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh thành như Đồng Tháp, TPHCM, Tiền Giang…
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ
Gắn bó với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa lâu năm, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho rằng tài nguyên bản địa của Việt Nam bao la, là lợi thế để các dự án phát triển kinh doanh.
Thường xuyên theo dõi nhiều dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ thời gian gần đây, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu cho rằng, khởi nghiệp với tài nguyên bản địa cần một mô hình kinh doanh phù hợp, có sản phẩm độc đáo để cạnh tranh với những mặt hàng cùng loại.
“Các bạn chọn phương thức khởi nghiệp này thường điều đầu tiên là bán hàng theo “cảm xúc quê nhà”, nhưng sau đó phải dùng trí tuệ để đổi mới sản phẩm, phải có mô hình kinh doanh phát triển to lớn, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại để đem lại hiệu quả cao nhất. Hiện nhiều bạn trẻ dùng tài nguyên bản địa để khởi nghiệp nhưng để lớn mạnh, thành công vẫn còn khá khiêm tốn”, ông Mỹ khuyến cáo.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn chiến lược và thương hiệu cho rằng, các bạn trẻ cần phải đổi mới sáng tạo khi khởi nghiệp với sản phẩm tài nguyên bản địa về nông nghiệp. “Việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ sẽ đem lại cho chúng ta những sản phẩm mới lạ, tính ứng dụng cao. Đó chính là “đôi cánh” để các startup có thể bay cao, bay xa và phát triển bền vững hơn trong bước đường khởi nghiệp của mình”, ông Tuấn nói.
Với kinh nghiệm tư vấn các dự án khởi nghiệp bằng tài nguyên bản địa, ông Mai Hữu Tài, Ủy viên Ban Điều hành Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhìn nhận, tài nguyên bản địa Việt Nam vẫn còn dồi dào chưa được nhận diện hoặc thiếu sự quan tâm hỗ trợ đúng mức để đưa vào khai thác. Ông Tài đề xuất cần hỗ trợ tài chính cho các dự án từ chương trình vay ưu đãi hoặc các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững.
“Cần xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh mẽ, tạo cơ hội liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội hợp tác. Đồng thời tăng cường tổ chức triển lãm, hội nghị để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả việc thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn để tạo cơ hội gặp gỡ khách hàng và kết nối với các đối tác tiềm năng”, ông Tài đề xuất.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, khi nói đến tài nguyên bản địa chúng ta cần phải biết tận dụng những bản sắc, đặc trưng của địa phương. Thứ hai là phải tiếp cận tất cả những công nghệ mà hiện nay thế giới đang có và chúng ta biến đổi, dùng công nghệ đó để nâng cấp sản phẩm của mình nhằm đáp ứng mong đợi người tiêu dùng.