> Hôm nay, Tư lệnh Hải quân ASEAN gặp gỡ tại Hà Nội
Đang tồn tại vấn đề ngư dân Việt Nam bị đe dọa, bị tịch thu tài sản, bị bắt giữ trong quá trình đánh bắt cá. Hải quân Việt Nam làm gì để hỗ trợ ngư dân?
Chính quyền và Hải quân Việt Nam đang thực hiện chương trình giáo dục ngư dân để họ hiểu rõ vùng biển của ta đến đâu, có đầy đủ thiết bị xác định được vị trí đang đánh bắt, nắm được luật là khi xâm phạm vùng biển nước khác sẽ bị xử phạt thế nào...Tôi đã đặt vấn đề trực tiếp với hai nước mà ngư dân của ta hay vi phạm nhất và bị xử phạt cứng rắn nhất là Indonesia và Malaysia.
Tôi nói với các Tư lệnh đó là những ngư dân nghèo đánh cá, trình độ hiểu biết có hạn nên họ vi phạm không chủ ý và không có ý xâm phạm chủ quyền. Các Tư lệnh Hải quân đều nhất trí cao và đồng ý xử phạt không quá cứng rắn đối với các ngư dân Việt Nam vi phạm.
Đâu là tiếng nói chung của ASEAN đối với Trung Quốc? Quan điểm riêng của Việt Nam đối với những vấn đề ở biển Đông?
Hải quân là lực lượng chủ chốt trong quản lý vùng biển, khẳng định chủ quyền. Khi trao đổi riêng, các đoàn đều đồng ý phương án nên dừng tranh chấp để tồn tại, nhưng xử lý tranh chấp thì phải dựa theo luật pháp quốc tế. Đặc biệt là giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực.
Quan hệ ngoại giao trên biển giữa Việt Nam và các nước góp phần thế nào vào công cuộc bảo vệ an ninh biển?
Hải quân các nước đều đóng vai trò chủ chốt để bảo vệ chủ quyền và an ninh biển. Vì vậy hợp tác hải quân rất quan trọng. Lần này Việt Nam nâng tầm thành hội nghị chính thức, được ủng hộ và đồng thuận rất cao, mở ra nền tảng hợp tác hải quân.
Trước đây, các vấn đề biển được coi là nhạy cảm nên các hội nghị hải quân không được gọi là hội nghị mà chỉ là tương tác hoặc gặp gỡ hải quân ASEAN và tổ chức ngắt quãng. Hội nghị này là sự củng cố cấu trúc an ninh hải quân mới của ASEAN, góp phần vào cấu trúc an ninh lớn để đảm bảo an ninh cho khu vực.
T.Đ - N.M (ghi)