Nắng quay quắt, nhiều đồi chè Hà Tĩnh cháy khô, dân chất đống đem về làm củi

TPO - Nắng nóng kéo dài hơn 1 tháng nay khiến nhiều diện tích chè của người dân ở Hà Tĩnh cháy khô do thiếu nước tưới. Nhiều cây chè chết khô được người dân chất lại từng đống đem về làm củi. 
  

Xã Hương Trà, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được xem là nơi có diện tích chè lớn nhất huyện với 170 hecta. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài suốt hơn 1 tháng qua khiến cây chè "khát nước" trầm trọng, nhiều diện tích bị chết cháy không thể hồi phục.

Ông Trần Viết Hòa, Phó giám đốc Xí nghiệp chè 20/4 cho biết, trong thời gian qua, nắng nóng kéo dài khiến khoảng 5 hecta diện tích chè đã bị héo khô, cháy lá không thể phục hồi.

Xí nghiệp chè 20/4 là đơn vị bao tiêu toàn bộ sản lượng chè của người dân xã Hương Trà. Trung bình mỗi hecta chè, người dân thu về từ 80 - 170 triệu đồng/vụ. Chè búp được thu mua với giá 7 triệu đồng/tấn.

“Thu hoạch vụ chè diễn ra trong vòng hơn 7 tháng. Trung bình mỗi tháng một hộ dân hái được khoảng gần 2 tấn chè búp tươi. Trong thời gian qua, nắng nóng kéo dài khiến nguời dân không có chè búp thu hoạch mà nhiều diện tích chè đã bị chết khô do thiếu nước tưới”, ông Hòa nói.

Theo người trồng chè nơi đây, với những cây chè chết khô, nếu vài tuần nữa không thể hồi phục thì người dân sẽ chặt bỏ để trồng cây mới.
Còn rất nhiều diện tích đã trong tình trạng héo úa, vàng lá người dân đang tích cực tưới nước để cứu vãn.

Chị Nguyễn Thị Hà, trú thôn Bắc Trà, xã Hương Trà buồn rầu bên diện tích chè của gia đình đã bị cháy khô do nắng hạn. “Hiện tại khoảng 20% chết, còn một số khác đang bị héo úa, vàng lá, còn búp thì chưa thể cho thu hoạch.

Anh Đào Thanh Tùng, trú thôn Tây Trà, xã Hương Trà cho hay, đến thời điểm hiện tại có khoảng hơn 20% diện tích chè của gia đình đã chết héo. Nếu như những năm trước, thời điểm này cho thu hoạch mỗi tháng trên 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên từ tháng 6 đến nay gia đình chưa thu hoạch được đồng nào vì chè cháy và búp không phát triển.

Giống chè này có vòng đời 30 năm. Vào cuối tháng 12, người trồng chè sẽ đốn cành, cuối tháng 2 âm lịch thì tạo hình, từ tháng 5 trở đi chè cho thu hoạch. Nhiều cây chè chết khô được người dân chất lại từng đống đem về làm củi. 
Thời gian qua, huyện Hương Khê chịu ảnh hưởng nắng nóng với nền nhiệt từ 37 đến trên 40 độ C.

Do lượng nước khan hiếm, khoảng 3-4 ngày chè mới được tưới một lần, mỗi lần tưới khoảng 6 tiếng. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, trong tổng số 170 hecta chè sẽ có khoảng 20% diện tích bị chết không phục hồi.

Trong thời gian qua, để cứu diện tích chè còn lại không bị chết khô, nhiều hộ dân phải chi hàng chục triệu đồng mua đường ống dân nước từ đập khe Bắc lên tưới nhưng hiện tại khe này cũng đang cạn dần.