Nâng cao hiệu quả dự phòng đột quỵ và quản lý huyết khối

TP - Trong hai ngày 28 và 29/5/2016, hơn 280 bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hồi sức tích cực, lão khoa trên cả nước cùng các chuyên gia đầu ngành về nội tim mạch và nội thần kinh tại TpHCM và Hà Nội tham dự hội thảo khoa học chuyên đề về quản lý huyết khối và dự phòng đột quỵ. Hội thảo do Hội Tim mạch TpHCM chủ trì, được tài trợ tổ chức bởi VPĐD Bayer tại TPHCM.
PGS. TS. BS. Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Tâm Đức, chủ tọa hội thảo.

Hội thảo xoay quanh hai chủ đề đang được cộng đồng quan tâm hiện nay là tối ưu hóa quản lý đột quỵ trên bệnh nhân rung nhĩ, liệu pháp kháng đông hiệu quả trong điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Các bác sĩ và chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ kiến thức và các thực hành tiêu biểu; thảo luận về thực trạng, thách thức và giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân huyết khối tại Việt Nam.


Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ. Trong số này, có khoảng 5 triệu người bị tàn phế suốt đời và hơn 5 triệu người tử vong, chiếm 10% số ca tử vong toàn cầu. Riêng tại Việt Nam,  PGS. TS. Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Chủ tọa hội thảo cho biết mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng của đột quỵ.

“Bệnh nhân rung nhĩ có thể có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không mắc rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim dẫn đến tình trạng ứ đọng máu bất thường trong buồng tim và từ đó dẫn đến sự hình thành các cục máu đông, còn gọi là huyết khối, trong buồng tim. Cục máu đông này có thể bung ra và di chuyển lên não gây gián đoạn việc cung cấp oxy lên não, dẫn đến đột quỵ”, PGS. TS. Trương Quang Bình cho biết.

Ngày nay, đột quỵ do rung nhĩ có thể được dự phòng bằng các giải pháp chống huyết khối. Mới đây, tại hội nghị thường niên của Cộng đồng Tim mạch và Rối loạn nhịp tim châu Âu (ECAS) lần thứ 12, tổ chức tháng 4 năm 2016 tại Đức, công bố mới nhất từ kết quả nghiên cứu hồi cứu REVISIT US trong thực tiễn lâm sàng trên gần 23.000 bệnh nhân tại Mỹ tái khẳng định: so với liệu pháp chống huyết khối truyền thống là kháng vitamin K (wafarin), thuốc kháng đông đường uống mới giúp giảm tỷ lệ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết nội sọ ở bệnh nhân rung nhĩ không do van tim.

Ngoài ra, để dự phòng đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ, yếu tố quan trọng là bệnh nhân cần tái khám đầy đủ, tuân thủ điều trị, sử dụng các thuốc chống huyết khối theo chỉ định của bác sĩ, thông báo cho bác sĩ điều trị tình trạng bệnh và các thuốc đang sử dụng.