Ngày 19/4, BS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho hay liên quan vụ cháy chung cư Carina, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 14 nạn nhân, trong đó có bệnh nhân nặng nhất là anh Lê Phan Trọng Nhân đã hồi phục và được xuất viện vào ngày mai.
Việc anh Nhân hồi phục là điều thần kỳ...
Hiện bệnh viện chỉ còn một bệnh nhân là Đào Thị Kim Long (60 tuổi) đang được tiếp tục theo dõi phỏng hô hấp.
Rối loạn tâm lý
Tuy đã hồi phục sức khỏe nhưng anh Nhân đối mặt với vấn đề tâm lý khi cả vợ và con đều mất sau vụ cháy nên vẫn được các bác sĩ tiếp tục hỗ trợ về mặt tâm lý. Theo BS Trường, bệnh viện không ít lần đối mặt với những trường hợp hoảng loạn tâm lý sau mất mát người thân, tuy nhiên việc hỗ trợ tâm lý vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
“Ở các nước phát triển, khi có thảm họa xã hội xảy ra, bác sĩ tâm lý sẽ có mặt để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân ngay từ lúc đầu. Còn ở Việt Nam, khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ chỉ mới tập trung chuyên môn cứu chữa và chưa kết hợp với bác sĩ tâm lý ngay lúc đầu được” - BS Trường chia sẻ.
Tiếp nhận bệnh nhân Trọng Nhân từ khoa hồi sức cấp cứu chuyển xuống, BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, cho hay anh Nhân rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý dạng hỗn hợp, hoảng sợ và lo lắng.
“Bệnh nhân có biểu hiện ngủ không được, hay nói lảm nhảm. Cả khoa đều căng thẳng, lo lắng bởi sợ Nhân lên cơn kích động khi biết sự thật. Khoa đã mời bác sĩ BV Tâm thần TP.HCM sang đánh giá tâm lý, hỗ trợ bệnh nhân về mặt tinh thần và lựa chọn thời điểm thích hợp để người nhà giải thích cho bệnh nhân.
Có thể Nhân đoán được một phần sự việc nên tiếp nhận tương đối ổn định. Hy vọng Nhân cảm thấy mạng sống của mình bây giờ rất ý nghĩa với bản thân và gia đình, mất mát dù sao cũng đã xảy ra và không ai mong muốn. Hiện tại bệnh nhân đã tương đối ổn định về tâm lý, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát về tâm lý lâu dài” - BS Thơ cho biết.
Con không nghĩ quẩn đâu
“Lúc mới vào điều trị, anh Nhân rơi vào hôn mê sâu, mỗi lần thở qua khí quản là khí đen phụt lên, từng mảng niêm mạc môi bong tróc... Hiện tại, anh Nhân vẫn phải chịu di chứng sẹo đường thở và cần tập thở” - BS Thanh kể.
Mọi chuyện vẫn chưa hết căng thẳng khi anh Nhân hồi phục, dần tỉnh táo và muốn biết tình hình vợ con. Các bác sĩ phải bố trí nhân lực đề phòng anh làm chuyện không mong muốn và cố gắng giải thích trấn an tinh thần bệnh nhân.
“Khi tỉnh lại, Nhân vẫn thường hỏi: "Chị ơi, vợ em nằm đâu, con em đâu?". Tôi phải nói tránh vợ con anh đang điều trị ở bệnh viện khác. Nhân dường như linh cảm có chuyện chẳng lành nên đòi gửi ảnh vợ con cho anh xem. Nhân nhớ rõ ràng lúc chạy từ chung cư xuống cùng vợ con và em vợ khi vụ cháy xảy ra thì có đứa bé bám ở chân mình. Anh tưởng là con trai nên vội bế chạy xuống và ngất xỉu, không hay gì nữa” - BS Thanh kể lại.
Ông Ngà cho biết gia đình cùng các bác sĩ đã bàn bạc nhiều lần trước khi cho Nhân hay chuyện cách đây bốn ngày. Ông kể trước khi nói sự thật đã đưa điện thoại cho Nhân coi hết các thông tin trên báo về vụ cháy và sự ra đi của vợ con.
Sau đó, ông để cho người cậu mở lời với con vì trong quá trình con trị bệnh, ông đã giữ kín chuyện này nhiều lần với con và nói dối về vợ con của Nhân, sợ lần này tự mình nói ra con sẽ không tin.
“Khi hay tin, nó chỉ khóc, mà khóc không phải vì trách ai mà đó là giọt nước mắt đè nén, xót xa trước cái chết của vợ con. Nhưng dường như nó cũng hiểu đó là chuyện xảy ra ngoài ý muốn mà bình tĩnh đón nhận. Khóc xong rồi nó nói: “Cha mẹ cứ yên tâm, con sẽ không làm gì quẫn trí đâu” thì tôi mới yên tâm. Hy vọng khi trở về nhà nhìn di ảnh vợ con nó sẽ không cảm thấy sốc nữa” - ông Ngà nghẹn ngào.
Ông Ngà cho hay trước khi xảy ra vụ cháy, Nhân có việc làm kiểm hàng ở siêu thị, sau đó chăm sóc con cho vợ đi làm.
Hiện tại chờ con về ổn định, gia đình ông sẽ tính tiếp. Tưởng chừng ngã quỵ sau những biến cố, ông Ngà vẫn không nguôi hy vọng con trai sẽ mạnh mẽ đứng lên sau những mất mát không đoán trước được của cuộc đời.