> Tạm trú 2 năm mới được nhập khẩu vào 5 thành phố lớn
> Nhập hộ khẩu nội thành: ít nhất 2 năm tạm trú
Giảm sức ép dân số
Trong báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, nhiều ĐBQH tán thành quy định nâng điều kiện thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy định này góp phần bảo đảm quyền lợi của người dân đang cư trú tại các thành phố này, làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học vào nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, giảm sức ép về hạ tầng xã hội, và hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương.
Cụ thể, công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương: 1) Có chỗ ở hợp pháp; trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên; trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên.
2).Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.
3) Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp.
4) Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.
5) Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây: bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố; có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân; được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Ngoài ra, việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.
Sổ tạm trú có thời hạn 24 tháng
UBTVQH cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH đồng ý với quy định Sổ tạm trú có thời hạn tối đa là 24 tháng. Luật Cư trú hiện hành không quy định thời hạn của sổ tạm trú nên thực tế có nhiều trường hợp đã chuyển đến chỗ ở mới mà không bị xóa tên trong sổ tạm trú và khi đến chỗ ở mới lại xin cấp sổ tạm trú khác, dẫn đến tình trạng một người có nhiều sổ tạm trú khác nhau.
Nếu một người mỗi lần thay đổi nơi tạm trú lại lập sổ tạm trú mới thì rất tốn kém và rất khó khăn trong công tác quản lý cư trú.
Để tăng cường công tác quản lý của Nhà nước và nâng cao trách nhiệm của công dân, Luật sửa đổi quy định sổ tạm trú cấp cho công dân có thời hạn tối đa là 24 tháng, khi hết thời hạn tạm trú mà người được cấp sổ tạm trú vẫn tiếp tục tạm trú thì trong thời hạn 30 ngày trước khi hết thời hạn tạm trú, công dân mang sổ tạm trú đó đến cơ quan Công an để làm thủ tục gia hạn.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.
Năm 2014, QH giám sát chuyên đề về tái cơ cấu nền kinh tế
Cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, QH giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”.
Tại kỳ họp thứ 8, QH giám sát chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015”.