>> Báo động mới về sức khoẻ Cụ Rùa
“Tôi rất lo lắng về tình trạng nước Hồ Gươm. Quan sát qua ảnh, tôi cho rằng có thể Rùa Hồ Gươm đang bị nhiễm nấm nặng. Nếu không xử lý nhanh, tính mạng Rùa sẽ bị đe dọa”, một bác sỹ thú y về động vật hoang dã đến từ Vườn thú Cologne (CHLB Đức), đang làm việc ở Vườn Quốc gia Cát Bà, Hải Phòng, cảnh báo. Bà cho biết sẵn sàng tham gia hội chẩn và tư vấn sức khỏe cho Cụ Rùa nếu được yêu cầu.
Tim McCormack, điều phối viên Chương trình Rùa châu Á, người cũng tham dự hội thảo hôm nay, khẳng định những vết lở loét trên thân thể Cụ Rùa là có thật và nghiêm trọng. Cần nhìn nhận nguyên nhân của vấn đề một cách tổng thể hơn thay vì chỉ tập trung vào rùa tai đỏ, sinh vật ngoại lai đang sống trong Hồ Gươm.
Tim hy vọng hội thảo sẽ giúp đưa ra quyết định nhanh chóng về phương án chữa trị cho Cụ Rùa và cần tôn trọng ý kiến của các chuyên gia thú y.
Nhà động vật học nhiều năm kinh nghiệm về bò sát ở Bảo tàng Động vật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Vũ Ngọc Thành, cũng lưu ý: “Cần chữa trị khẩn cấp cho Cụ Rùa và hãy để các bác sỹ thú y quyết định. Các ý kiến khoa học về Cụ Rùa ở Việt Nam còn rất khác nhau. Vì thế, để tiến độ không bị ảnh hưởng, tôi đề nghị các nhà khoa học không nên can thiệp vào công việc của chuyên gia thú y”.
Hồ Gươm ô nhiễm nặng
Tiền Phong từng phản ánh việc các nhà khoa học đưa ra một số bằng chứng về dấu hiệu tăng vọt lượng tảo độc trong Hồ Gươm và nhiều thủy vực khác ở Hà Nội, đồng thời cảnh báo Hồ Gươm đang trở thành ao tù, không còn là một hồ tự nhiên.
Hoàn Kiếm không còn là một hồ nữa mà là cái ao tù bẩn. Phải trả lại trạng thái cân bằng sinh thái tự nhiên cho hồ. Phải có thêm các loài thuỷ sinh khác để giúp tiêu thụ các chất phì dưỡng và phải có một cuộc hội thảo toàn diện. - GS.TSKH Dương Đức Tiến, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về tảo ở Việt Nam
GS.TS Đặng Đình Kim - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (IET), cho biết các nhà khoa học của IET tìm hiểu rất kỹ về tảo độc trong các hồ trọng điểm ở Việt Nam, trong đó có Hồ Gươm từ cách đây 8 năm.
Các nhà khoa học nhận thấy khoảng 6-7 năm lại đây, hàm lượng các chất dinh dưỡng thuộc nhóm amoni, nitrat, và phosphat (chủ yếu phát sinh từ chất thải) tăng lên đáng kể ở Hồ Gươm.
Liên quan đến hệ tảo trong Hồ Gươm, khảo sát nhiều lần cho thấy loài tảo lam độc đang phát triển rất nhanh và mạnh theo thời gian. Nếu như năm 1997 mới chỉ đếm được 3,5 triệu tế bào trong một lít nước mẫu lấy trong Hồ Gươm, đến tháng 2 năm 2005, lượng tế bào tảo lam độc đã lên đến 747 triệu/lít nước mẫu.
“Đây là con số vô cùng lớn và rất đáng báo động” - Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đình Kim nói. Tham khảo bảng tiêu chuẩn nước của Australia, được biết, nếu hàm lượng microcystin (tên của một loại tảo lam độc cũng có ở Hồ Gươm đang đề cập) ở mức 15 triệu tế bào/lít nước trở lên, nước được xem là có độ độc cao.
Như vậy, mẫu nước Hồ Gươm được IET nghiên cứu có độ độc gấp ít nhất 30 lần so với ngưỡng độc cao của tiêu chuẩn Australia (Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn này). Các nhà khoa học lưu ý tảo lam độc không phải là thứ tạo nên mầu đặc trưng của Hồ Gươm. Mầu lục thủy mà những người yêu Hồ Gươm rất sợ mất được tạo nên bởi loại tảo gọi là tảo lục. Trong cùng mẫu nghiên cứu của IET, lượng tảo lục đếm được không đáng kể, chỉ 10-35 triệu tế bào/lít.
Hàm lượng độc tố 0,626-0,798mg/g tế bào tảo lam Hồ Gươm rất cao. Một lượng như thế trong một lít nước, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đủ để gây ngộ độc và ung thư. Hiện ở Hà Nội, hai hồ bị ô nhiễm tảo lam độc nặng nhất là Hồ Gươm và hồ trong Công viên Bách Thảo.
Dự án “Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật Tôn tạo các Công trình Giao thông Đô thị Khu vực hồ Hoàn Kiếm” của Sở Giao thông Công chính Hà Nội do Viện Xây dựng Công nghiệp, Bộ Xây dựng, cũng từng báo động về tình trạng ô nhiễm Hồ Gươm từ cách đây gần 20 năm. Tình trạng ô nhiễm này có thể khiến các ổ dịch bệnh lây lan, phát triển và là mối đe doạ nghiêm trọng đối với con người, môi trường sinh thái của rùa Hồ Gươm.
Tuy nhiên, nhận định của các nhà khoa học tại IET và bên Bộ Xây dựng không được tất cả nhà khoa học đồng tình. Có ý kiến cho đó là thổi phồng.