Năm 2019, Thủ tướng giao kế hoạch vốn tín dụng chính sách tăng thêm 13.221 tỷ

TPO - Theo kế hoạch năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) so với năm 2018 là 8%, tương ứng khoảng 13.211 tỷ đồng.
Hiện có gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH

Ngày 28/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 239/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2019 cho NHCSXH. Trước đó NHCSXH đã công bố nâng gấp đôi mức cho vay hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 50 triệu lên 100 triệu.

Trước đó tại phiên làm việc "xông đất" đầu xuân Kỷ Hợi với NHCSXH, Thủ tướng đã lưu ý năm nay NHCS phải tăng mạnh dư nợ cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vốn của bà con nông dân, hộ nghèo. 

 Theo kế hoạch năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng của NHCSXH so với năm 2018 là 8%, tương ứng khoảng 13.211 tỷ đồng. Như vậy, cùng với nguồn vốn cấp của các chương trình tín dụng từ ngân sách Trung ương và nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương, tổng tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2019 đạt khoảng 16.200 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đến 31/12/2019 đạt khoảng 204.000 tỷ đồng.

Đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng, tăng 19.038 tỷ đồng so năm 2017; đặc biệt, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 11.809 tỷ đồng, tăng 2.764 tỷ đồng so với năm 2017 - mức tăng lớn nhất trong 16 năm qua. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng (+9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn; trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng, tăng 12.938 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.

Tăng gấp đôi vốn vay người nghèo từ 50 lên 100 triệu

Trước đó, Hội đồng quản trị NHCSXH ký Quyết định số 12/QĐ-HĐQT  về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ cận, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, kể từ ngày 01/3/2019, các chương trình tín dụng tại NHCSXH bao gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải bảo đảm tiền vay.

Đối với thời hạn cho vay, NHCSXH nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo lên 120 tháng, theo đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo có thời hạn cho vay thực hiện như cho vay hộ nghèo được nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng.

Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của NHCSXH. Trường hợp hộ vay thuộc đối tượng của các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi thì có thể vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ.

Việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của NHCSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền trong toàn quốc là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình TCTD khác của ngành Ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.