Theo chuyên gia Todd Harrison của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược (Mỹ), mặc dù ông Trump nói ngân sách mới là “khoản đầu tư đáng kể vào quân đội”, so với ngân sách quốc phòng mà ông Obama thông qua trong ba năm đầu nhiệm kỳ thì vẫn thấp hơn.
Luật quốc phòng mới, tên đầy đủ là Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019, cho phép giới quân sự Mỹ chi 7,6 tỷ USD mua 77 tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter của hãng Lockheed Martin.“Mỹ có vũ khí tốt nhất thế giới”, ông Trump tuyên bố và cam kết sẽ thay thế các “xe tăng, máy bay và tàu chiến đang già cỗi, với những công nghệ tốt nhất, chết chóc nhất”. Tổng thống Mỹ cũng đề cập các kế hoạch mua sắm 135 xe tăng M1 Abrams, 60 xe chiến đấu bộ binh Bradley, hơn 3.000 xe chiến chở quân chiến thuật đa năng (thay thế các xe Humvee), trực thăng tiến công Apache, trực thăng vận tải đa dụng Blackhawk.
Theo RT, cho đến nay quân đội Mỹ vẫn chưa thực sự đưa vào biên chế dòng tiêm kích có năng lực cất hạ cánh thẳng đứng F-35. Và cho đến nay, dòng máy bay này vẫn đang gặp vấn đề với thiết kế, năng lực tác chiến và chế độ bảo dưỡng, mặc dù F-35 là một trong các chương trình vũ khí đắt đỏ nhất thế giới.
Máy bay ném bom B-21 được kỳ vọng thay thế cả các dòng B-2 lẫn B-52. Ảnh: wiki.
Tuy ông Trump tỏ ra tự hào về vũ khí Mỹ, nhưng cũng cần nhắc lại rằng chiếc trực thăng tiến công AH-64 Apache ra đời từ năm 1986. Trực thăng đa dụng Blackhawk bắt đầu phục vụ quân đội Mỹ từ năm 1979, xe M2 Bradley ra đời năm 1981. Các loại vũ khí này liên tục được hiện đại hóa và nâng cấp, nhưng nền tảng của chúng khó có thể nói là mới.
“Chúng ta đã tiêu tốn rất nhiều tiền mua vũ khí” cũng như đầu tư hệ thống phòng thủ tên lửa, ông Trump nói.“Chúng ta sẽ hy vọng không bao giờ phải dùng đến chúng, nhưng cũng chẳng ai dám đến gần chúng ta”.
NDAA cũng chi gần 6,5 tỷ USD nâng cấp bom và đầu đạn hạt nhân, tên lửa và phát triển mới các tên lửa hạt nhân phóng từ trên không, những máy bay B-21 Raider có năng lực phóng các tên lửa loại này.Tháng trước, lưỡng viện Mỹ đã thông qua NDAA với số phiếu tán thành áp đảo.
Trung Quốc phản đối
Trước việc tổng thống Mỹ ký ban hành đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2019, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, cho rằng NDAA đã thổi phồng sự thù địch từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc cũng lên án Mỹ hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Đài Loan và “săm soi” các công ty Trung Quốc, cho rằng hành động này sẽ hủy hoại quan hệ song phương, theo SCMP.
Trong một tuyên bố trên website, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “rất không hài lòng” với việc Mỹ ban hành NDAA.Trung Quốc nói Mỹ nên “từ bỏ tư duy thời chiến tranh lạnh và tư tưởng “người được là ta mất”, coi Trung Quốc và quan hệ Trung - Mỹ ở thế đối kháng”.
Bộ luật Mỹ đã “hủy hoại không khí phát triển trong quan hệ giữa quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc, cản trở sự tin tưởng và hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói.
Ông Ngô thúc giục Mỹ “thận trọng xử lý vấn đề Đài Loan để tránh gây tổn hại đến quan hệ giữa quân đội hai nước”. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói Đài Loan sẽ tăng chi tiêu quân sự và “bày tỏ lòng biết ơn” đối với Mỹ.
Một trong những điểm của NDAA mà phía Trung Quốc phản đối là Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ xem xét các đề nghị nhằm xác định vấn đề hay dự án nào đó đe dọa an ninh quốc gia. Theo Reuters, biện pháp này được cho là nhắm tới Trung Quốc.
Trong NDAA, ông Trump đã hủy bỏ lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE, cho phép công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc phục hồi việc làm ăn với các đối tác Mỹ. Trước đó, ZTE bị cho là đã bán thiết bị cho Iran và Bắc Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm của Mỹ.
Giới tình báo Mỹ từng nói họ lo ngại ZTE và Huawei và một số công ty Trung Quốc khác có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc, vì thế làm ăn với họ đặt Mỹ vào nguy cơ bị do thám.