Theo NDTV, vụ đột kích được tiến hành lúc 21h30’ ngày 9/2, tại trụ sở đảng NLD ở thành phố Yangon.
Vào thời điểm trên, trong trụ sở không có người.
Soe Win, thành viên đảng NLD, cho biết một nhân viên bảo vệ đã phát hiện cuộc đột kích qua camera an ninh, nhưng không thể can thiệp vì chính quyền quân sự đã áp lệnh giới nghiêm (từ 20h đến 4h sáng).
Sáng hôm sau, khi kiểm tra trụ sở, các thành viên NLD thấy ổ khóa cửa bị hỏng, nhiều máy tính bị mất, hệ thống dây điện và cáp máy chủ bị cắt. Các tài liệu ngân hàng từ một chiếc két an toàn đã “không cánh mà bay”.
Soe Win cho biết NLD dự định sẽ đệ đơn khiếu nại cảnh sát.
Các thiếu nữ Myanmar mặc váy dạ hội đi biểu tình. Ảnh: BBC
Vụ đột kích xảy ra sau khi quân đội Myanmar đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn nhằm đối phó với người biểu tình. Vòi rồng, hơi cay và đạn cao su đã được sử dụng.
Một bác sĩ ở Naypyidaw cũng xác nhận việc quân đội sử dụng súng đạn khiến hai người bị thương nặng, nhưng các cảnh quay cho thấy người biểu tình ở thủ đô không hề nao núng.
Một người phụ nữ bị bắn vào đầu hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Tại Mandalay, các nhân chứng cho biết lực lượng an ninh đã bắn hơi cay trực diện vào những người biểu tình vẫy cờ đỏ của NLD.
Truyền thông nhà nước cho rằng đám đông đã sử dụng "ngôn ngữ tục tĩu" và ném đồ vật vào cảnh sát, làm bị thương 4 sĩ quan.
“Do đó, các cảnh sát đã giải tán đám đông theo đúng phương pháp và luật pháp,” tờ Global New Light của Myanmar đưa tin, mà không đề cập đến cuộc đối đầu của cảnh sát ở những thành phố khác.
Ở bang Kayah, hàng chục cảnh sát - thay vì ngăn cản người dân - đã cùng hòa vào dòng người biểu tình với khẩu hiệu "Chúng tôi sát cánh với nhân dân", "Chúng tôi không muốn chế độ độc tài".
Một người biểu tình tại hiện trường nói với BBC rằng có tới 40 sĩ quan đã tham gia phản đối đảo chính, và cố gắng bảo vệ những người biểu tình khỏi lực lượng an ninh.
Một nhân chứng khác cho biết các cảnh sát tham gia biểu tình sau đó đã bị bắt.
Mỹ, quốc gia từng nhiều lần lên án cuộc đảo chính, hôm thứ Ba đã tiếp tục kêu gọi tự do ngôn luận ở Myanmar, và yêu cầu các tướng lĩnh từ chức.
Người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu - Josep Borrell cảnh báo EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với quân đội Myanmar.
Trong khi đó, New Zealand đã trở thành quốc gia đầu tiên có động thái cô lập chính quyền quân sự bằng cách dừng mọi tiếp xúc cấp cao với Myanmar và áp lệnh cấm đi lại đối với các lãnh đạo quân đội Myanmar.