Quân đội kêu gọi hợp tác
Khi Ma Yati cảm thấy mệt mỏi, sốt cao và mất khứu giác, cô chắc chắn rằng mình đã mắc COVID-19.
Nhưng ngay cả khi có tới 30 người chết vì COVID-19 mỗi ngày ở quê nhà Kale (miền Tây Myanmar), Yati vẫn quyết định tốt hơn hết là nên cách ly tại nhà hơn là đi kiểm tra sức khoẻ hoặc vào trung tâm cách ly.
“Niềm tin của tôi đối với hệ thống chăm sóc sức khoẻ của quân đội bằng 0”, cô gái 23 tuổi nói với Reuters qua điện thoại từ nhà riêng. “Trung tâm cách ly không có nhân viên. Sẽ không có ai giúp tôi trong trường hợp khẩn cấp”, Yati nói.
Giống với Yati, nữ sinh viên y khoa 20 tuổi tên Khin ở Yangon đã quyết định tự điều trị cho cha mẹ khi hai người mắc COVID-19. Nhưng tình hình ngày càng xấu đi khi lượng oxy trong máu của cha Khin giảm dần, và ông không may qua đời dù đã được cho thở oxy.
Theo Reuters, ngày càng có nhiều người Myanmar quyết định từ chối hệ thống y tế nhà nước bất chấp số ca bệnh ngày càng tăng. Họ lo sợ điều kiện các bệnh viện không đạt chuẩn, vì nhiều bác sĩ trước đó đã đình công để phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2.
Theo các chuyên gia, việc bệnh nhân từ chối đi xét nghiệm và cách ly không chỉ gây nguy hiểm cho sức khoẻ của chính họ, mà còn có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng hơn.
Một phát ngôn viên của chính quyền quân sự cho biết họ đang làm tất cả những gì có thể để kêu gọi hợp tác.
"Hiện có nhiều trở ngại”, phát ngôn viên Zaw Min Tun nói trong một cuộc họp báo. "Chúng tôi biết các nhóm từ thiện và người dân cũng đang gặp khó khăn. Chúng tôi muốn đề nghị họ hợp tác với chúng tôi."
Cả ông Zaw Min Tun và Bộ Y tế Myanmar đều không trả lời thêm các câu hỏi về việc xử lý ổ dịch. Nhưng theo Reuters, quân đội Myanmar đã mở cửa các bệnh viện quân sự cho bệnh nhân là dân thường, và đẩy mạnh dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở này.
Làn sóng COVID-19 hậu đảo chính
Đợt bùng phát COVID-19 mới nhất đã “quét” qua đất nước 53 triệu dân sau khi chính quyền dân sự bị quân đội lật đổ đầu tháng Hai.
Các cuộc biểu tình phản đối quân đội, các cuộc đình công và tình trạng bạo lực đã cản trở việc cung cấp các dịch vụ y tế.
Người dân ở Yangon vẫn xếp hàng dài mua bình oxy, bất chấp việc chính quyền cho biết đã hạn chế cung cấp bình dưỡng khí cho các cá nhân để tránh đầu cơ tích trữ.
Hôm thứ Hai, 12/7, 89 người Myanmar đã tử vong vì COVID-19, theo báo cáo của cơ quan y tế. Cùng ngày, số ca mắc mới COVID-19 lên tới 5.000 ca, cao hơn gấp đôi so với mức đỉnh của năm ngoái. Ngày 13/7, số ca mới giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao (trên 4.000 ca).
Có tới hơn một phần ba số xét nghiệm COVID-19 cho kết quả dương tính. Con số này cho thấy dịch bệnh đang lây lan rộng hơn nhiều so với thống kê chính thức.
Vì nhiều nhân viên y tế đã tham gia phong trào đình công/bất tuân dân sự, khả năng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện đang bị hạn chế.
Bệnh viện Đa khoa Tây Yangon ở thành phố lớn nhất Myanmar hiện chỉ còn 40 nhân viên y tế, trong khi số y bác sĩ trước đó là 400 người.
Tại một bệnh viện khác ở Yangon, một bác sĩ 35 tuổi cho biết việc phải đối phó với cuộc khủng hoảng sức khoẻ trong điều kiện nguồn lực thiếu thốn “chẳng khác nào bắt ếch thả vào túi rách”.
Bác sĩ này yêu cầu Reuters giấu tên, vì lo sợ sẽ bị những người ủng hộ phong trào bất tuân dân sự chỉ trích. Trước đó, anh đã trở lại bệnh viện làm việc vì áp lực từ gia đình.
Một số bác sĩ sau khi đình công đã mở đường dây tư vấn bí mật qua điện thoại để hỗ trợ các bệnh nhân mắc COVID-19.
Chính quyền quân sự vẫn tích cực kêu gọi các nhân viên y tế quay về làm việc. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại họ có thể sẽ bị bắt giữ hoặc bị đồng nghiệp tẩy chay sau khi trở lại bệnh viện.
Vài ngày trước cuộc đảo chính, Myanmar đã bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa COVID-19. Nhưng chiến dịch đang bị đình trệ trong bối cảnh người dân từ chối nhận bất kì sự trợ giúp nào từ chính quyền quân sự. Người từng đứng đầu chiến dịch tiêm chủng của chính quyền dân sự - Htar Htar Lin - đã bị bắt.
Chính quyền quân sự hôm thứ Hai cho biết sẽ đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng với sự hỗ trợ của đồng minh Nga.