Mỹ - Trung rục rịch nối liên lạc

TP - Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ gặp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Thụy Sĩ trong tuần này; hai bên sẽ cố nối lại các kênh liên lạc, Reuters hôm qua dẫn các nguồn tin nắm rõ tình hình.
Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì (giữa) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Alaska hồi tháng 3. Ảnh: Reuters

Cuộc gặp giữa hai quan chức (có thể vào ngày 6/10) sẽ diễn ra chỉ chưa đầy 1 tháng sau điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

“Có thể coi đây là cuộc gặp mà hai bên sẽ cố tái thiết các kênh liên lạc và triển khai những quan điểm mà lãnh đạo cấp cao nhất đã nhất trí”, một người nắm được tình hình nhận định. Nguồn tin thứ hai nói rằng, một trong những nội dung sẽ được bàn tới là khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập với ông Biden.

Trong cuộc điện đàm gần đây nhất, lãnh đạo Mỹ - Trung nói về sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nước. Nhà Trắng nói cuộc điện đàm diễn ra nhằm ngăn chặn nguy cơ cạnh tranh dẫn đến xung đột không chủ ý, còn ông Tập cho rằng, thế giới sẽ hứng hậu quả nếu Trung Quốc và Mỹ đối đầu.

Sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden sẽ đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương. Bắc Kinh trước đó khẳng định sẵn sàng tăng cường đối thoại, nhưng cuộc gặp thượng đỉnh khó có khả năng diễn ra trước cuối năm nay. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang khúc mắc vì hàng loạt vấn đề, từ thương mại đến Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.

Ông Dương và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại bang Alaska (Mỹ) hồi tháng 3, nhưng không khí cuộc gặp trở nên căng thẳng khi ông Dương chỉ trích Mỹ phát biểu từ “vị thế của kẻ mạnh”. Sau đó, các quan chức hai bên tiếp tục gặp nhau, trong đó có chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) vào tháng 7.

Bà Sherman khi đó nhận được yêu cầu từ Trung Quốc là chấm dứt lệnh dẫn độ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu từ Canada. Bà Mạnh trở về Trung Quốc trong tháng 9, sau khi đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ để kết thúc 3 năm bị quản thúc tại gia ở thành phố Vancouver (Canada).

Lộ trình thương mại mịt mờ

Ngày 4/10, tại Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai có bài phát biểu về chính sách thương mại của Nhà Trắng với Trung Quốc. Bà Tai nói rằng, Trung Quốc đã không thực hiện được một số cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Bà tỏ ra bi quan về khả năng tình hình sẽ thay đổi nếu không có biện pháp cứng rắn.

Bà cho biết sẽ thu xếp một cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong những ngày tới để đánh giá thỏa thuận giai đoạn 1. Nhiều người trong ngành công nghiệp và chuyên gia của Mỹ phàn nàn rằng, bài phát biểu được chờ đợi suốt 8 tháng trời của bà Tai không đưa ra kế hoạch cụ thể nào về thời điểm hay khả năng đàm phán.

Bà Tai cam kết sẽ trao đổi với các quan chức Trung Quốc về chuyện nước này không thực hiện nhiều nội dung trong thỏa thuận giai đoạn 1 và về quy trình giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều diễn ra tiếp theo “phụ thuộc vào các cuộc đối thoại”, bà Tai nói. Bà cũng chỉ trích chính phủ Trung Quốc tiếp tục “định hình nền kinh tế theo ý chí của nhà nước, gây tổn hại cho lợi ích công nhân Mỹ và khắp thế giới”.

Chịu nhiều thiệt hại sau hơn 3 năm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị tăng thuế thêm hàng tỷ đô la Mỹ, các ngành công nghiệp Mỹ đang hy vọng chính phủ Mỹ đưa ra kế hoạch chi tiết về các loại hàng hóa sẽ được giảm thuế. Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cho biết, họ lo ngại mức thuế cao sẽ được duy trì dài hạn, trong khi chính quyền hiện nay không có lộ trình rõ ràng.

“Bài phát biểu được chờ đợi từ lâu cho thấy chiến lược thương mại của chính quyền Biden đối với Trung Quốc rất mờ mịt, và sẽ gây ra những tổn thất không cần thiết cho nền kinh tế Mỹ và các chuỗi cung ứng bán lẻ”, ông David French, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ quốc gia của Mỹ, nhận định.