Mỹ tăng tốc trong cuộc cạnh tranh vắc-xin

TP - Sau nhiều tháng Trung Quốc đóng vai trò là nhà cung cấp vắc-xin lớn nhất toàn cầu, Mỹ và các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra cam kết viện trợ 1 tỷ liều vắc-xin cho thế giới, để chính thức bước vào cuộc đua nhằm thúc đẩy các lợi ích và khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Một lô vắc-xin chuyển đến từ Somalia qua chương trình COVAX Ảnh: AP

Mỹ và Anh khẳng định việc viện trợ vắc-xin không đi kèm điều kiện, nhưng giới phân tích cho rằng cuộc đua ngoại giao vắc-xin ngừa COVID-19 mới chỉ bắt đầu và không tách rời cạnh tranh địa - chính trị. Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn đưa Washington và các đồng minh lên tuyến đầu cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu khi Nga và Trung Quốc đang tích cực cung cấp vắc-xin cho phần còn lại của thế giới.

Trung Quốc đã xuất khẩu 350 triệu liều vắc-xin cho vài chục quốc gia, trở thành nước cung cấp vắc-xin lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại, trong bối cảnh Ấn Độ dừng xuất khẩu vắc-xin để ưu tiên nhu cầu trong nước và nguồn cung của Nga còn hạn chế. Dù còn những dấu hỏi về tính minh bạch trong chia sẻ số liệu thử nghiệm lâm sàng, nhưng nhiều nước nghèo sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ vắc-xin nào của Trung Quốc. Các chuyên gia nói rằng nỗ lực này có thể làm tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và làm sâu sắc quan hệ của Bắc Kinh với những quốc gia khác.

Có những báo cáo nói rằng Nga đang ưu tiên xuất khẩu vắc-xin hơn đáp ứng nhu cầu trong nước. Vắc-xin được chuyển đến Hungary trước khi cơ quan quản lý châu Âu cấp phép. Tương tự, vắc-xin Nga được chuyển đến Slovakia khiến liên minh cầm quyền thân phương Tây rạn nứt và suýt tan rã, buộc thủ tướng nước này phải từ chức để nhường chỗ cho bộ trưởng tài chính. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công khai đặt câu hỏi vì sao Nga lại đẩy mạnh xuất khẩu vắc-xin như vậy.

Giới phân tích cho rằng Mátxcơva đang lấp vào khoảng trống mà các cường quốc phương Tây để lại và khẳng định vai trò vượt trội ở khu vực.

Theo các nhà phân tích, đại dịch COVID-19 gây ra thảm hoạ nhân đạo mang tính lịch sử, nhưng nỗ lực chấm dứt nó cũng là cơ hội để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ và vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này. Khi nhu cầu trong nước giảm xuống, Mỹ có thể tăng cường chia sẻ các liều vắc-xin đã mua nhưng chưa dùng đến, nhất là vắc-xin AstraZeneca mà giới chức nước này chưa cấp phép để sử dụng ở Mỹ.

Giới phân tích cho rằng ngoại giao vắc-xin mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Một chuyên gia về chính sách nói với CNBC rằng Mỹ đang nỗ lực bắt kịp Trung Quốc. Có dấu hiệu cho thấy các nước khác trong câu lạc bộ thượng lưu G7 sẽ làm theo Mỹ và Anh trong chia sẻ vắc-xin. Đức và Pháp mỗi nước đã hứa sẽ quyên góp 30 triệu liều vào cuối năm nay.

Cần nhiều hơn nữa

Dù Mỹ, Anh và G7 gây ấn tượng với 1 tỷ liều vắc-xin, nhưng con số này vẫn chưa thấm vào đâu khi rất nhiều quốc gia mới có rất ít, thậm chí chưa có liều vắc-xin nào.

Các chuyên gia y tế hy vọng rằng cam kết của Mỹ và đồng minh sẽ khuyến khích thêm nhiều nước khác quyên góp để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong cung cấp vắc-xin, nhưng cũng thúc giục phải đẩy nhanh việc vận chuyển. “Cứu mạng người cần làm nhanh. Không phải đến cuối năm 2021 hay 2022, mà ngay bây giờ. Vắc-xin viện trợ nên được cung cấp đủ và khẩn trương”, Kate Elder, cố vấn chính sách vắc-xin cấp cao của tổ chức Bác sĩ không biên giới, nói với AP.

200 triệu liều vắc-xin từ Mỹ sẽ bắt đầu được đưa đến các nước trong tháng 8, số còn lại sẽ được chuyển vào quý 2/2022, Nhà Trắng và hãng dược Pfizer cho biết. Chương trình tiêm chủng ở nhiều nước giàu đã đạt tỷ lệ cao, trong khi nhiều quốc gia nghèo vẫn chưa bắt đầu. Tình trạng lây nhiễm bùng phát ở Ấn Độ gần đây là lời nhắc nhở về cách COVID-19 có thể tàn phá các quốc gia khi họ không có vắc-xin.

Bất bình đẳng vắc-xin không chỉ là câu chuyện về sự công bằng. Có một mối quan ngại ngày càng lớn về các biến chủng virus có khả năng lây lan và độc lực lớn hơn. Đang có ít nhất 3 biến chủng hoành hành ở châu Phi. Anh, nơi có tỷ lệ tiêm phòng cao, cũng đang rất lo ngại về các biến chủng. “Dù kế hoạch của ông Biden được hoan nghênh, nhưng đó chỉ là một mảnh ghép và không giúp nhiều quốc gia đang vật lộn hiện nay”, Fifa Rahman, đại diện xã hội dân sự của một tổ chức thuộc WHO chuyên về tiếp cận vắc-xin, nhận xét.