> Vũ khí mới cho máy bay tiêm kích
> Mỹ bác đề nghị xây căn cứ quân sự trong vũ trụ
Laser 150 kilowatt gắn trên máy bay phản lực là loại vũ khí nhỏ hơn và nhẹ hơn 10 lần so với hệ thống laser cùng công suất, theo Cơ quan Dự án Nghiên cứu cao cấp về quốc phòng (DARPA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
DARPA vừa gửi thông báo đặc biệt cho tập đoàn General Atomics- Aeronautical Systems Incorporated về việc chế tạo hệ thống vũ khí laser thứ hai để cả Không quân và Hải quân Mỹ có thể thử nghiệm vào năm 2014.
Những vũ khí laser như vậy là một phần của Hệ thống phòng thủ khu vực laser lỏng năng lượng cao của DARPA.
Chúng chủ yếu được sử dụng để bắn hạ rocket, tên lửa đất đối không hoặc những loại vũ khí khác đe dọa máy bay chiến đấu. Ngoài ra, laser có thể được dùng như một loại vũ khí tấn công một số mục tiêu trên mặt đất.
Quân đội Mỹ từng thử nghiệm vũ khí laser có kích thước lớn, ví dụ loại có mức năng lượng lên tới hàng nghìn kilowatt, được gắn trên một chiếc máy bay Boeing 747 cải tiến.
Loại vũ khí laser 150 kilowatt nhỏ gọn có thể được gắn trên máy bay quân sự, thậm chí là máy bay không người lái.
Năm tới, Hải quân Mỹ sẽ thử nghiệm vũ khí laser 150 kilowatt chống lại các mục tiêu tàu nổi. Trước đó, các thử nghiệm của Hải quân cho thấy, laser có thể phá hủy máy bay không người lái đang bay và tàu thuyền nhỏ.
Tuy nhiên, các sol khí, hạt bụi và điều kiện thời tiết có thể khiến laser mất tiêu điểm và hạn chế tính hiệu quả nếu mục tiêu ở quá xa.
Các nhà lãnh đạo quân sự, nhà khoa học và chuyên gia vũ khí Mỹ không coi vũ khí laser gắn trên máy bay là nhân tố có thể thay đổi cục diện chiến trường.
Một loạt cuộc tập trận được tổ chức tại Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ hồi tháng 8-2012 cho thấy vũ khí laser không thực sự tạo được sự khác biệt lớn trong bốn tình huống giả định.
Bình Giang
Theo Fox News, Tech News Daily