Mỹ nghi Nga tấn công hàng loạt nhà máy điện hạt nhân

TPO - Các tin tặc làm việc cho một chính phủ nước ngoài gần đây đã đột nhập hệ thống điều khiển của hàng chục nhà máy điện hạt nhân của Mỹ, trong đó có cơ sở hạt nhân Wolf Creek ở Kansas, các quan chức Mỹ vừa cho biết.
Nhà máy điện hạt nhân Wolf Creek

Mục đích của các tin tặc có thể để tìm cách gây gián đoạn hệ thống cung cấp điện quốc gia của Mỹ, giới chức nước này cho biết. Một cảnh báo chung đã được gửi đến các cơ sở hạt nhân 1 tuần trước. Ngoài ra, các tin tặc gần đây cũng thâm nhập vào một công ty (chưa được nêu tên) chuyên sản xuất các hệ thống kiểm soát để trang bị cho máy móc dùng trong ngành điện.

Nghi ngờ đầu tiên của các quan chức Mỹ là Nga, báo Mỹ Bloomberg dẫn 3 nguồn tin thân cận với chiến dịch ngăn chặn các tin tặc tấn công các mạng lưới máy tính đưa tin. Một trong những mạng máy tính đó thuộc về cơ sở điện hạt nhân đã lâu đời là Wolf Creek, thuộc quyền sở hữu của 3 công ty là Westar Energy, Great Plains Energy và Công ty điện Kansas. Nhà máy này làm bên bờ gần thành phố Burlington, bang Kansas.

Khả năng Nga có liên quan khiến giới chức Mỹ đau đầu vì các tin tặc Nga trước đó bị cáo buộc đã làm tê liệt một số phần trong hệ thống lưới điện quốc gia của Ukraine và có vẻ sẽ thử nghiệm những công cụ ngày càng tiên tiến để gây gián đoán mạng lưới cung cấp điện. Còn Mỹ cũng được cho là có trong tay nhiều vũ khí công nghệ có thể gây gián đoạn mạng lưới điện của các nước đối thủ.

Tin tức này xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Nga – Mỹ đang ở mức cao sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận "Nga đã tìm cách tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016".

Chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có nêu vấn đề tấn công mạng trong cuộc gặp hôm nay với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không. Trong bài phát biểu trước đó tại Warsaw, Ba Lan, ông Trump nói rằng Nga đang có “các hoạt động gây bất ổn” và thúc giục Mátxcơva gia nhập “cộng đồng các nước có trách nhiệm”.

Giới chức tình báo Mỹ từ lâu đã lo ngại về an ninh của hệ thống điện quốc gia. Cuộc tấn công gần đây xảy ra gần như đồng thời tại nhiều địa điểm đã thử thách khả năng của chính phủ trong việc phối hợp nhiều cơ sở tư nhân, cơ quan nhà nước, lãnh đạo địa phương và các nhà quản lý ngành.

Các nhóm điều tra đặc biệt của Bộ An ninh nội địa và Cục Điều tra liên bang Mỹ vẫn đang ráo riết truy tìm những tin tặc tấn công các nhà máy điện, trong một số trường hợp họ không cần thông báo cho các quan chức địa phương và cấp bang. Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ cũng đang nỗ lực xác định danh tính của các tin tặc. Những tin tặc này được cho là đã dùng máy tính chủ ở Đức, Ý, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ để che giấu thân phận.

Nhiều nhà máy điện hoạt động theo cách truyền thống, nhưng những hành động tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân gây thêm sức ép bảo đảm an toàn. Lõi của máy phát điện hạt nhân được bảo vệ nghiêm ngặt, nên nếu turbine bị dừng đột ngột sẽ kích hoạt hệ thống an toàn. Những thiết bị an toàn được thiết kế để phân tán mức nhiệt quá mức khi phản ứng hạt nhân dừng lại, nhưng bản thân các hệ thống an toàn cũng có thể bị tấn công.

Theo Theo Bloomberg