Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên mua được các hệ thống S-400. Moscow và Bắc Kinh được cho là đã thống nhất được một thoả thuận trị giá 3 tỉ USD cho các hệ thống phòng không này và đợt bàn giao đầu tiên có thể diễn ra ngay vào năm 2016.
Trong khi đó, theo Contra Magazin, Ấn Độ từ lâu đã muốn bổ sung thêm nhiều hệ thống phòng thủ lưu động hiệu quả cho mình. Mới đây, Hội đồng mua bán Quốc phòng Ấn Độ (DAC) đã phê chuẩn việc mua 5 tổ hợp tên lửa S-400 của Nga, cùng các thiết bị liên quan với trị giá lên tới gần 6 tỉ USD. 2 nước nhiều khả năng sẽ kí hợp đồng trong tương lai gần.
“Washington không thể cảm thấy yên lòng do S-400 có thể gây ra tổn thất lớn cho không quân Mỹ và đồng minh. Nếu nhiều nước có được S-400, Mỹ sẽ gặp khó trong việc không kích các khu vực được bảo vệ bởi hệ thống này nếu có xung đột xảy ra”, Contra Magazin trích lời chuyên gia Maier.
S-400 là hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại nhất của Nga, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở tốc độ bay 4,8 km/s. Chỉ có những tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân và bay ở tốc độ từ 6 – 7 km/s mới có khả năng thoát khỏi sự truy đuổi của S-400.
S-400 được nâng cấp từ dòng S-300 Growler và có bán kính đánh chặn 400km. Nó là một tổ hợp bao gồm các hệ thống radar, ống phóng tên lửa và đồn chỉ huy.
Điều làm cho S-400 trở nên đặc biệt là radar thông minh của hệ thống, có thể “quan sát” hầu hết mọi mục tiêu ở cả trên không và mặt đất.
Mỗi hệ thống S-400 có thể đồng thời tấn công 36 mục tiêu, với 72 tên lửa sẵn sàng phóng ngay lập tức. S-400 sử dụng 3 loại tên lửa khác nhau, đó là tên lửa tầm cực xa 40N6, tầm xa 48N6 và tầm trung 9M96.
Hiện nay quân đội Nga là lực lượng duy nhất trên thế giới sử dụng loại tên lửa phòng không hiện đại này.