Tang lễ của nhạc sĩ Hồng Đăng đã diễn ra vào lúc 12h30 đến 13h45, ngày 26/3, tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Cố nhạc sĩ được an táng tại nghĩa trang Thiên Đức, Phù Ninh, Phú Thọ.
Sự ra đi của cố nhạc sĩ đến nay vẫn là nỗi mất mát lớn không chỉ với người thân, bạn bè mà với cả nền âm nhạc nước nhà. Trong kí ức của nhiều người, nhạc sĩ Hồng Đăng là người chân thực, cởi mở. Luôn tâm nguyện đưa nền âm nhạc Việt đi lên.
“Bác Hồng Đăng là một người rất uyên bác, từng trải, mềm mỏng và rất hiền"
Trước sự ra đi của nhiều nhạc sĩ tài ba trong thời gian ngắn, ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ với Tiền Phong: “Tôi nghĩ lẽ sinh tử trên cuộc đời này thì ai đi theo Phật giáo cũng đều hiểu. Việc một người ra đi đương nhiên sẽ để lại những cảm xúc cho thân quyến và bạn bè. Mới chỉ trong 1 tháng đã có đến 3 nhạc sĩ qua đời, đặc biệt anh Ngọc Châu là một nhạc sĩ rất trẻ. Đó là niềm tiếc thương với gia đình, bạn bè và người hâm mộ.
Mỹ Linh cũng rất xúc động khi dần dần mọi người cũng sẽ bỏ mình đi và đây là điều không thể tránh được.
Tôi mong rằng đại dịch sẽ qua đi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường để mọi người có thể gặp gỡ nhau. Trân trọng những phút giây gặp gỡ để đến khi có bất cứ điều gì xảy ra thì mình sẽ không nuối tiếc”.
Là ca sĩ từng thể hiện nhiều ca khúc của cố nhạc sĩ, Mỹ Linh không khỏi bồi hồi chia sẻ kỷ niệm cùng nhạc sĩ Hồng Đăng:
“Bác Hồng Đăng là một người rất uyên bác, từng trải, mềm mỏng và rất hiền. Tôi không có cơ hội gặp bác Đăng nhiều nhưng lại hát nhạc của bác Đăng nhiều đó là bài “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”... đều là những bài hát bất hủ của bác. Mỹ Linh tin rằng, nhạc sĩ Hồng Đăng đã có một cuộc sống rất xứng đáng nhận được sự tiếc thương của nhiều người khi bác ra đi.
Nhìn gương mặt phúc hậu của bác và sự tiếc thương mọi người dành cho bác khi bác ra đi thì tôi tin rằng bác ấy đã có một cuộc sống viên mãn”.
Nhạc sĩ Hồng Đăng - “nghệ sĩ có tâm bồ tát”
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, trưởng ban tang lễ nói: "Cuộc đại trình diễn “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Hồng Đăng chỉ đạo đã để lại một ấn tượng âm nhạc Việt Nam không phai mờ, hãnh diện khép lại một thế kỷ đầy biến động của đất nước. Nhiều người kính trọng ông vì tính thẳng thắn, luôn luôn vì sự nghiệp chung, quên cái tôi. Mọi người thường gọi ông là “nghệ sĩ có tâm bồ tát”.
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật Phan Hồng Đăng sinh năm 1936, quê gốc Yên Thành, Nghệ An, sau ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956.
Sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác hơn 700 tác phẩm, trong đó có nhiều bản nhạc phim nổi tiếng như "Hoa sữa" - phim Hà Nội mùa chim làm tổ, "Lênh đênh" - phim Đời hát rong, "Biển hát chiều nay" - trong nhiều phim về đề tài biển...
“Hoa sữa” trở thành ca khúc "đi cùng năm tháng" và sống mãi trong lòng người yêu nhạc. Nhạc sĩ Hồng Đăng từng chia sẻ: “Hoa sữa từng được nhiều ca sĩ thể hiện nhưng mỗi ca sĩ hát bằng trải nghiệm, bằng tình yêu riêng của mình không ai giống ai. Mỗi giọng hát đều đem lại cho ca khúc một vẻ đẹp riêng không dễ so sánh ai hơn ai kém. Nếu Nhã Phương là người đầu tiên đưa Hoa sữa chính bước lên trên sân khấu âm nhạc thì Thanh Lam, là người đưa Hoa sữa đến với công chúng rộng rãi hơn qua băng hình có công sức dàn dựng không nhỏ của đạo diễn Phạm Hoàng Nam”.