Hãng RIA Novosti ngày 22/11 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng Nga có quyền đặt các lực lượng hạt nhân thông thường trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, bố trí Iskander-M và S-400 ở Kaliningrad thời điểm này có thể gây mất ổn định an ninh châu Âu”.
Nga tuyên bố đặt hệ thống tên lửa tấn công chiến thuật Iskander tại khu vực Kaliningrad “nhằm đáp ứng với các tình huống khác nhau ở châu Âu”, tuy nhiên theo đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, tình hình thực tế không nhất thiết khiến Moscow phải đưa ra những phản ứng quân sự như vậy.
“Chúng tôi kêu gọi Nga không đưa các hành động quân sự không tương thích với sự ổn định và an ninh trong khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga, ông Viktor Ozerov cho biết, để đối phó với việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa NMD ở châu Âu, Nga buộc phải tăng cường hệ thống phòng không vũ trụ của mình ở khu vực phía Tây Liên bang.
“Chúng ta sẽ buộc phải củng cố hệ thống phòng không vũ trụ trên các hướng liên quan, huy động lực lượng và phương tiện bổ sung để giải quyết nhiệm vụ bảo vệ các chủ thể quan trọng và trạm chỉ huy.
Nhiệm vụ tăng cường sẽ gồm có bố trí S-400 và các tổ hợp tên lửa Iskander ở Kaliningrad, thành lập các đơn vị mới tại quân khu Tây và quân khu Nam”, ông Ozerov nói.
Thượng nghị sĩ Nga cũng cho biết, một trong những lý do được Nga đưa ra là sự triển khai phòng thủ tên lửa Mỹ tại châu Âu tiềm ẩn nguy cơ được tái trang bị trong thời gian ngắn thành các cơ sở bố trí vũ khí tấn công, ví dụ tên lửa hành trình triển khai trên đất liền.