Đảng Cộng hòa:

Mỹ cần hải quân mạnh, tăng hiện diện ở biển Đông

TP - Hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, phát biểu, căng thẳng trên biển Đông cho thấy nhu cầu duy trì lực lượng hải quân Mỹ đủ mạnh để răn đe.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, bước ngang bức ảnh chụp đá Chữ Thập đang bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo. Ảnh: AP.

Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ Marco Rubio, nói rằng nếu đắc cử, ông sẽ cho tàu Mỹ tới thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với chủ quyền trên biển Đông.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan chỉ trích việc chính quyền của Tổng thống Barack Obama đưa ra các đề xuất mà ông cho rằng sẽ làm giảm quy mô và sức mạnh hải quân Mỹ, Reuters đưa tin.

“Chúng ta không nên có một tổng thống đề xuất giảm số tàu của chúng ta xuống mức trước Thế chiến 1. Điều này có nghĩa rằng, chúng ta cần có quân sự mạnh, hải quân mạnh và một chính sách đối ngoại thực sự - những thứ hiện giờ chúng ta không có”, ông Ryan nói với các phóng viên. Tuyên bố của ông Ryan được đưa ra sau khi Trung Quốc tiếp tục bay thử ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Máy bay bay trái phép gây bất ổn khu vực

Ngày 6/1, Trung Quốc tuyên bố hai máy bay Airbus và Boeing đã hạ cánh thành công xuống đá Chữ Thập (mà nước này bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo). Chính quyền của ông Obama thông báo, họ quan ngại ba lần hạ cánh gần đây của máy bay Trung Quốc trên đá Chữ Thập.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook hôm qua nói rằng, việc Trung Quốc bay thử như vậy cũng như mọi động thái xây đảo nhân tạo, quân sự hóa ở biển Đông đều làm gia tăng căng thẳng, bất ổn trong khu vực, CNN đưa tin. Các bên liên quan cần nhanh chóng nhất trí về giải pháp ngoại giao cho các vấn đề trên, ông Cook nói.

Chính phủ Mỹ liên tục nhấn mạnh vấn đề tự do hải hành, tự do bay trong khu vực. “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền dừng việc cải tạo đất, phát triển cơ sở hạ tầng mới, quân sự hóa trên các tiền đồn. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc đạt được thỏa thuận về lối ứng xử chấp nhận được tại các khu vực tranh chấp”, bà Anna Richey-Allen, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, tuyên bố.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Alexander Neill, chuyên gia hàng hải, hải quân, nghiên cứu sinh cao cấp Đối thoại Shangri-La, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở châu Á (trụ sở Singapore), cho rằng, Trung Quốc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trên đá Chữ Thập là để nước này có toàn quyền hành động trong việc nâng cao sự hiện diện quân sự ở Trường Sa cũng như khu vực quanh quần đảo này. “Trung Quốc còn có thể có các kế hoạch cho một số bãi ngầm gần đá Chữ Thập”, ông Neill nhận định.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio tuyên bố, nếu sắp tới ông được bầu làm tổng thống, ông sẽ điều các tàu chiến Mỹ đi qua các vùng tranh chấp trên biển Đông để thách thức tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền biển đảo và vùng trời phía trên. Ông cũng sẽ làm việc với các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực. “Chúng ta cần tái tăng cường liên minh quân sự Thái Bình Dương của chúng ta và việc này bắt đầu bằng việc Mỹ đầu tư các nguồn lực cần thiết để tái thiết hải quân của chúng ta”, ông Rubio nói với Fox Business Network. Tuy nhiên, cả thượng nghị sĩ Marco Rubio và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đều không thông báo họ sẽ phân bổ bao nhiêu nguồn lực cho lực lượng hải quân Mỹ.

Các thành viên đảng Cộng hòa đang tìm cách giành quyền kiểm soát Nhà Trắng từ tay các thành viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới. Họ đang coi chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama là một vấn đề vận động tranh cử trọng yếu. Các nghị sĩ cấp cao nhất của đảng Cộng hòa trước đó chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama không tiến hành thêm các cuộc tuần tra ở biển Đông. Các quan chức hải quân Mỹ nói rằng, tranh chấp ở biển Đông có thể dẫn tới chạy đua vũ trang trong khu vực.

Khi được hỏi rằng, nếu đắc cử tổng thống, liệu có can thiệp quân sự để ngăn các máy bay của Trung Quốc hạ cánh xuống các đảo nhân tạo, ông Rubio nói rằng, Mỹ cần thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. “Chúng ta cần phản đối yêu sách chủ quyền của họ đối với các khu vực đó và chúng ta cần tiếp tục điều máy bay và tàu tới đó”, vị ứng viên tổng thống nói.

Trao công hàm phản đối Trung Quốc

Trước việc ngày 6/1, hai máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 7/1 gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh chủ trì phiên họp thường kỳ của Ủy ban ASEAN tại Mỹ và cuộc gặp ASEAN - Mỹ tại Washington D.C ngày 7/1, với  sự tham dự của đại sứ 10 nước ASEAN, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, những căng thẳng và diễn biến mới tại biển Đông sẽ là một chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sắp tới.