Mưu sinh ở đáy kỳ quan

TP - Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp khi hàng ngàn núi đá nhấp nhô nổi trên nước. Nhưng, có một nơi dưới đáy kỳ quan thế giới này, khi nước thủy triều cạn, lại thành nơi kiếm sống của hàng trăm người dân.
Bà Vân đi cuốc giun đất, sá sùng.

Rủ nhau ra Kái Xà Cong

Kái Xà Cong, Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh) thuộc vịnh Hạ Long trải dài từ TP Hạ Long tới Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Nơi này ken dày núi đá nhưng chỉ cách đất liền vài km.

Khi thủy triều dâng, cả vùng mênh mông nước. Thủy triều rút, bãi triều rộng hàng trăm ha hiện ra, biển lùi xa, cạn trơ đáy. Và chỉ chờ có thế, hàng trăm người dân kéo nhau ra bãi kiếm tìm sản vật của biển

Anh Linh tôm hơn 40 tuổi nhà ở gần chợ Hà Phong, là công nhân Cty Than thuộc Vinacomin cho biết, ở chợ không thiếu thức gì nhưng việc đi biển đã ngấm vào máu. Cứ chiều tối là vác đồ nghề ra bãi. Vừa khỏe lại có đồ ăn ngon, tươi. Những buổi bội thu tôm, vợ anh mang ra chợ bán kiếm thêm tiền.

Cuộc sống bây giờ chẳng giàu, cũng chẳng khó. Sắm lưới, sắm đèn, thuộc làu từng con nước, các bác cựu công nhân này lại í ới rủ nhau ra biển. Thường mỗi buổi được vài cân cá, bề bề, vài chục con tôm. Ngày nào cũng đi ăn không hết, chật tủ lạnh phải nhờ hàng xóm xơi hộ…

Anh Linh khoác trên vai một túi nặng, một cái vợt lớn hình tam giác, cây gậy, đèn của thợ lò đeo trên đầu. Hôm nay nước cạn nhất lúc 20 giờ. Mùa đông triều cạn ngày, mùa hè cạn về tối và đêm. Muốn tường con nước phải xem sách. Ai đi bãi phải thuộc lòng.

Mỗi tháng có khoảng 15 ngày nước thủy triều lên cao ngập cả rừng sú vẹt, mọi người ở nhà làm việc khác. 15 ngày còn lại nước thủy triều xuống thấp thì ra biển.

Có tháng nước chỉ cạn nửa bãi nhưng bắt ngao, đào giun biển, còng đá vẫn được… Ra bãi giờ này nhiều người đi đào ngao, cuốc sá sùng, giun đất đã về.

Khi vịnh cạn trơ đáy, cuộc mưu sinh bắt đầu.

Để ra được bãi Kái Xà Cong, phải len lỏi những con đường mòn đầy sú vẹt cao ngang đầu. Những dãy núi khổng lồ san sát, nối tiếp nhau như trường thành.

Trời tối hẳn, chúng tôi mới tới mép nước. Lao xao, loang loáng ánh đèn pin. Anh Linh có biệt tài bắt tôm bằng vợt ở những con lạch chảy từ phía trong bờ.

Tay cầm vợt, anh Linh dặn theo sau hoặc đi ngang với anh, tránh làm đục nước tôm sẽ chạy mất. Vả lại, có nhiều hố sâu được tạo do mìn đánh cá. Hố sâu chọc thẳng vào túi bùn. Bước vào là thụt… Đi bãi thường phải có hai người để phòng bất trắc.

Chiếc vợt được anh Linh đẩy ngập dưới nước. Anh sục mạnh tay, một con tôm nhảy tách lên chui vào vợt. Tới một chỗ nước ngập mênh mông, chúng tôi gặp hội đi te tôm (đánh tôm bằng điện).

Tiếng tè tè của vợt te xóa tan không gian tĩnh mịch. Tôm thường ẩn dưới bùn chỉ thò đôi mắt bé tí ti. Gặp ánh sáng đèn mắt tôm ánh lên sắc đỏ. Sục vào chỗ đó tôm nhảy lên. Anh Linh quan niệm chỉ đi cho vui, hôm bắt tôm, buổi thả lưới cho thanh thản. Te tôm là dân chuyên nghiệp.

Tuy vậy, miệt mài theo dòng chảy gần hai giờ, giỏ của chúng tôi đã suýt soát 2 kg tôm…

Nhọc nhằn nghề đi bãi

Chị Trần Thị Dịu, 43 tuổi nhà ở phường Hà Lầm chuyên nghề mò sò, ốc. Gặp chị lúi húi cùng con gái thọc tay vào bãi bùn. Chiếc giỏ đeo bên đã gần đầy, lổn nhổn ốc, sò và những loài nhuyễn thể khác.

Chị Dịu làm nghề này đã được gần 10 năm. Sò trung bình bán được trên dưới 100 nghìn đồng/kg, ốc hương vài chục nghìn đồng/cân. Chịu khó cũng kiếm được vài ba trăm nghìn/buổi.

Trước đây, chị lên bãi thải đầu đường nhặt than, cực nhọc nhưng phải bán rẻ cho bọn đầu gấu cai bãi nên bỏ. Chỉ đứa nhỏ, chị Dịu bảo, nghỉ hè cháu theo mẹ ra biển học nghề kiếm tiền mua sách bút cho năm học mới.

Tôm bãi Kái Xà Cong, mồi ưa thích của dân câu – có giá 5.000 đồng.

Chị Lan, 40 tuổi quê ở Vân Đồn chuyên nghề đào sá sùng. Hiện, cao giá nhất là sá sùng: vài ba trăm nghìn đồng/kg tươi và 4-5 triệu đồng/kg khô. Mỗi buổi chị lang thang cả chục km để tìm mánh (dấu hiệu nơi con sá sung trú ngụ). Sá sùng sống dưới cát từ 10-30 cm và có nhiều lỗ thông nhau.

Thấy cái lỗ nhỏ xíu giữa hàng trăm, ngàn lỗ lẫn hang của các sinh vật sống dưới cát, người săn phải rất nhanh dùng thuổng, xẻng đâm thẳng xuống rồi lật lên thật nhanh vì chỉ cần thấy động là chúng chui sâu vào lòng đất. May mắn có ngày chị bắt được 3 - 4 kg sá sùng tươi mang về chế biến, sấy khô…

Nghệ tinh như chị Lan ở bãi này không nhiều. Nhiều người bắt sá sùng, giun biển không biết quy luật sinh tồn của chúng. Những nhát cuốc bổ xuống như làm vườn xới bông một khoảng rộng vài chục m2.

Bà Vân 50 tuổi, quê Yên Hưng quệt mồ hôi cho biết: Mình không biết bí quyết nên đành phải cuốc. Vất vả và thu nhập ít hơn. Bù lại, đào kiểu này thì bắt được đủ thứ, khi con còng, tôm, ngao, ngán, giun đất. Chẳng khác gì nông dân khai khẩn đất hoang…

Xóm chài giữa phố

Ở khu 9 phường Hồng Hà có khu tập thể của giáo viên trường mầm non. Hiện, khu này chỉ còn 4-5 cô giáo. Chồng các cô giáo rất thích đi biển. Nhiều người nói vui, đây là xóm chài giữa phố vì thường thấy mấy ông treo lưới ngoài sân, gỡ, dọn lưới để đi biển đêm.

Có hàng trăm người kiếm sống tại bãi Kái Xà Cong.

Ông Quân, một công nhân ngành Than về hưu nhưng thạo nghề chài lưới, bảo, những năm bao cấp, cuộc sống khó khăn nhưng những người đàn ông trong xóm phải ra biển tìm cua, cá, tôm về cải thiện.

Cuộc sống bây giờ chẳng giàu, cũng chẳng khó. Sắm lưới, sắm đèn, thuộc làu từng con nước, các bác cựu công nhân này lại í ới rủ nhau ra biển.

Thường mỗi buổi được vài cân cá, bề bề, vài chục con tôm. Ngày nào cũng đi ăn không hết, chật tủ lạnh phải nhờ hàng xóm xơi hộ…

Ông Quân bảo, đi quen rồi thành cái thú. Hưu rồi vừa đi hóng gió, vừa có hải sản tươi, sạch. Chẳng phải chỉ xóm này mới có thuyền chài.

Nơi nào tập trung nhiều công nhân thế hệ 5-6X đều có hội Kái Xà Cong… Ở đấy có nhiều nhóm chùng thú chơi đi lấy cây cảnh, hội bắt chim trên núi đá. Lật đá bắt tôm càng mập bán cho dân nghiện
đi câu…

Nỗi lo tận diệt

Ngày nào cũng có người ra bãi. Dân thuyền chài đích thực thả lưới, vét chài gần bờ hàng ngày khiến lượng thủy hải sản ngày càng khan hiếm. Người đi bãi bảo, ngày trước, mực, ruốc (bạch tuộc nhỏ), bề bề, tôm, cua cái gì cũng có mà lại to hơn cả ở nhà hàng.

Bây giờ quần quật cả buổi nhưng thu hoạch chưa được một phần tư hồi trước. “Nhiều thì được vài cân cá lợn (cá nhỏ), có hôm tay trắng. Cá to vắng bóng” - ông Vị, công nhân Cty Tuyển than Hòn Gai, có thâm niên hàng chục năm ra bãi bắt cua, nói.

Những ngày nước đẹp, có tới vài kilômét lưới mắt nhỏ giăng trước biển. Chưa kể ngư dân dùng mìn đánh bắt lén lút, lưới mắt nhỏ càn quét, rồi nạn te tôm…

Tôi nhớ buổi theo ông Quân đi thả lưới. Đang lầm lũi lội qua một lạch nước trong rừng sú vẹt, chúng tôi giật mình vì tiếng nổ lớn cùng cột nước cao gần 10 mét trắng xóa.

Chỉ cần quả mìn nhỏ như quả pháo nổ chỉ đủ giật mình, nhưng không con gì thoát. Tất cả cá to, nhỏ đều chết, bay cả lên bờ. Ông Quân bảo, đi xuống dưới cuối nguồn mà nhặt cá. Ở đây người ta tưởng mình
hôi cá…

Đứng dưới lạch nước, chỉ khoảng hơn 10 phút, những con cá bị choáng, chết vì mìn bắt đầu trôi về phía chúng tôi. Con lạch rộng chừng 3m, nước nông, nên chúng tôi thoải mái nhặt cá. Đủ loại cá, và rất nhiều con chỉ bằng ngón tay…

Theo Báo giấy