Hàng giờ trên thang
Mỗi năm đến mùa thu hoạch hồ tiêu (thường vào tháng 3), từ 6h sáng, trên lô, rẫy ở Tây Nguyên, tiếng bà con nông dân trò chuyện rôm rả cả một khoảng rừng. Mọi người tất bật dựng thang, kéo bạt phủ kín gốc cây bắt đầu cho công việc thu hoạch hồ tiêu.
Ngồi vắt vẻo trên chiếc thang cao 2 mét, chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) thoăn thoắt ngắt từng chùm quả đã đạt độ thu hoạch. Tiếng rào rào trút xuống, đọng lại trên chiếc bạt được phủ quanh gốc. Vừa hái tiêu chị Ngọc vừa hay chuyện, nhiều người nói làm việc này cũng... “nhàn”. Cả ngày, người nông dân chỉ việc ngồi hoặc đứng trên chiếc thang cao chót vót để hái những quả tiêu nhỏ tròn xinh mà thôi. Nói vậy chứ leo thang một hồi vã hết mồ hôi, rủi ro vô cùng.
Gần trưa, cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên phủ trùm trên nương rẫy. Chị Ngọc cẩn thận bước xuống mặt đất. Dựa lưng ướt đẫm mồ hôi vào gốc cây, uống một hơi hết chai nước, chị nói, thu hoạch tiêu thường rơi vào thời điểm nắng nóng nên phải đi từ sáng sớm. Trời này mà chênh vênh trên chiếc thang nguy hiểm lắm. Công việc nào phải trải qua mới thấm được.
Hơn trăm trụ tiêu được trồng xen trên diện tích gần 2 ha, đến mùa thu hoạch hồ tiêu, gia đình chị Ngọc đều phải thuê người hái. “Hai vợ chồng là lao động chính, chồng đi suốt nên vào vụ thu hoạch, tôi phải thuê thêm vài lao động thu hái bảo đảm tiến độ thời vụ”, chị Ngọc cho hay.
Quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt, chị Nguyễn Thị Sâm là nhân công hái thuê của gia đình chị Ngọc. Đến vụ thu hoạch hồ tiêu, cà phê, chị và một số chị em hàng xóm từ Hà Tĩnh vào Đắk Lắk hái thuê. “Cuối năm vào mùa thu hoạch cà phê, đầu năm là mùa thu hái hồ tiêu. Chúng tôi được bao ăn ở tại nhà chủ vườn. Mỗi ngày, được trả công vài, ba trăm nghìn đồng”, chị Sâm cho hay.
Tôi ngỏ ý trèo lên hái thử, chị Sâm cẩn thận tìm cách đặt thang ở một vị trí bằng phẳng và an toàn. Hơn chục năm nay đi hái thuê cho những gia đình trồng cây công nghiệp, chị Sâm đúc kết được kha khá kinh nghiệm. Chị hướng dẫn, thu hồ tiêu phải hái lần lượt từ trên cao xuống, phần lớn thời gian phải đứng trên thang để hái. Người hái tiêu cần xem kỹ hướng gió, tìm cách đặt thang cẩn thận. Hôm nào gió mạnh phải dùng dây buộc thang vào trụ tiêu đề phòng bị ngã. Chị Sâm dùng một cành cây dài đánh động xung quanh trụ tiêu. Theo chị, làm như vậy để xua đuổi côn trùng như ong, kiến lửa hay rết, rắn.
Leo lên chiếc thang cao hơn 3m, tôi cảm giác chênh vênh. Cô bạn đứng dưới cố giữ chiếc thang cho an toàn, tôi bắt đầu vặt từng chùm quả chín theo hướng dẫn của chị Sâm. Sau khi hái xong phần trước mặt, tôi đang cố rướn người hái những chùm quả xa hơn. Thấy thế, chị Sâm liền nói: “Cô xuống đi, đặt thang qua hướng khác. Mình chịu khó xoay thang xung quanh trụ, hái ở phần nào đặt thang ở đó, rướn người hái có thể gây mất thăng bằng, dễ bị ngã”.
Cùng hái thuê với chị Sâm, bà Hồ Thị Thắm (52 tuổi, quê Hà Tĩnh) vì hoàn cảnh khó khăn, ra Tết bà lên Đắk Lắk. “Ngày đầu chân ướt chân ráo vào đây đi hái thuê, nhiều gia đình có vườn ở vị trí đồi dốc, rất khó tìm được mặt phẳng để đặt thang. Ngày đó, phải cột dây vào trụ cho chắc chắn, hoặc người đứng hái người giữ thang. Nhiều gia đình trồng tiêu trên trụ cây sống, phải bắc thang cao gần cả chục mét mới có thể hái tới”, bà Thắm kể.
Theo bà Thắm, mỗi ngày bà được trả công gần 300.000 đồng. Hơn hai tháng hái thuê, có thể kiếm được gần 20 triệu đồng. Với bà, đây là số tiền rất lớn đối với gia đình.
Thơm nồng vị tiêu
Giữa khoảng sân rộng, ông Nguyễn Cao Cương (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar) đang đổ tiêu ra phơi. Ông cho biết, thời tiết năm nay nắng đều, thuận lợi cho nông dân thu hái và phơi khô hạt tiêu sau thu hoạch. Sau nhiều năm mức giá giảm sâu khiến nông dân không mặn mà với cây hồ tiêu, năm nay giá tăng cao, hơn 100.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi. Trước kia hồ tiêu được ví như vàng đen, có thời điểm giá trên 200.000 đồng/kg. Với 2 ha hồ tiêu trồng xen cà phê, năm nay dự kiến ông Cương thu hoạch được gần 4 tấn tiêu, doanh thu khoảng 400 triệu đồng.
Mùa tiêu, giúp người lao động tự do có thêm thu nhập. Những người hái tiêu thuê đi từ sáng sớm làm đến tối mịt. Việc thu hoạch hồ tiêu nhẹ, không tốn nhiều sức như thu hoạch cà phê, nhưng phải thường xuyên leo trèo, phơi mình giữa trời nắng nóng, nguy hiểm. “Hái tiêu đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Nghề hái “vàng đen” nhìn đơn giản nhưng tai nạn lao động luôn rình rập, có thể ập đến bất cứ lúc nào. Xã này, vụ mùa vừa qua, có một số người không may té ngã gãy tay, gãy chân”, ông Cương chia sẻ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh trên 28.600 ha, chiếm trên 26% diện tích hồ tiêu cả nước, sản lượng đạt khoảng 84.000 tấn. Cây hồ tiêu được trồng chủ yếu tại các huyện Cư Kuin, Krông Búk, Cư M’gar, Ea H’leo.
Gần nhà ông Cương, nhà bà Phan Thị Xoanh đang tỉ mẩn đóng tiêu vào bao. Bà Xoanh nhớ lại, vụ mùa vừa qua, bà leo lên chiếc thang cao hơn 4m để hái tiêu. Trời nắng gắt, bà bị say nắng, hoa mắt té xuống đất, bị thương nhẹ ở cột sống. “Lúc đó, may mắn được người thân đưa đi bệnh viện kịp thời, chứ không nằm một chỗ rồi”, bà Xoanh nhớ lại.
Bày mâm cơm trưa, ông Cương vui vẻ nói, đây là bữa trưa của nhà nông, rau ngót hái ở vườn làm canh, một nồi cá kho tiêu, món bí xanh xào lá chanh, không thể thiếu một lọ tiêu xanh ngâm mắm. Vợ chồng ông ghiền món này, bữa cơm nào cũng phải có để ăn kèm. Quả tiêu ngâm có vị thơm cay đặc trưng, vị mặn mặn của nước mắm, một chút vị chua và cay nồng của tỏi và ớt.
Mỗi mùa tiêu, ông đều chọn những chùm tiêu xanh nguyên cuống, hạt đều, bóng, có mùi thơm cay tự nhiên để ngâm cùng các nguyên liệu như ớt tươi, đường phèn, nước mắm.... để tủ lạnh dành ăn cả năm.
Trời về chiều, gió mùa khô thổi thốc từng cơn. Trên các vườn rẫy tiếng nói chuyện râm ran của người dân hoà vào thanh âm rào rào của những chùm tiêu rơi xuống bạt. Ở đó, những người hái tiêu thuê vẫn đu mình hàng giờ trên chiếc thang cao như thể lan tỏa vị cay nồng đi muôn nẻo.