Nhiều ý kiến cho rằng, công tác phối hợp, cung cấp thông tin giữa thủy điện với địa phương nơi có thủy điện và thông tin đến vùng hạ du còn chưa kịp thời. Lãnh đạo huyện Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2, cho rằng, gần đây tại địa phương liên tục xảy ra động đất, lãnh đạo địa phương đã xuống cơ sở lập kế hoạch kiểm tra, khu vực có nguy cơ sạt lở, thực hiện công tác di dời. Tuy nhiên, còn thiếu kinh phí để thực hiện. Lãnh đạo huyện này cho rằng, một trong những tồn tại gây lo lắng trong mùa mưa lũ là thông tin giữa địa phương và thủy điện trên địa bàn chưa được kịp thời.
Cùng quan điểm, đại diện lãnh đạo huyện Phước Sơn chia sẻ, rút kinh nghiệm từ mùa mưa lũ năm 2017, khi nghe tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2, người dân địa phương, trong đó có cả các cụ già 70 - 80 tuổi hoảng loạn chạy lên núi. Dù sau đó mới biết là tin đồn thất thiệt, nhưng thông tin chính thống đến được với người dân quá chậm gây hoang mang.
Nhiều ý kiến khác phản ánh việc xả lũ tập trung của các hồ thủy điện trong mùa mưa lũ gây thiệt hại nặng nề. Riêng huyện Đại Lộc, 500 ha đất sản xuất của người dân bị bồi lấp, hoặc sạt lở không thể sản xuất khiến người dân điêu đứng. Một thực trạng lo ngại nữa là người dân ở khu tái định cư Gò Hiu và Gò Danh đang trong cảnh thiếu nước sạch, nguy cơ sạt lở... Địa phương này cũng đề nghị sớm hoàn thiện bản đồ ngập lụt vùng hạ du; đề nghị giải pháp thoát lũ để đảm bảo an toàn người dân và tài sản.
Chủ hồ thủy điện phải phối hợp thông tin
Ông Lê Trí Thanh đề nghị, các chủ hồ thủy điện, thủy lợi tổ chức lập, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai; điều chỉnh quy trình vận hành đơn hồ cho phù hợp với quy trình vận hành liên hồ. Trong quá trình vận hành, hết sức lưu ý quá trình xả lũ, phải điều chỉnh phù hợp, không để tăng đột ngột gây nguy hiểm cho hạ du.
Đặc biệt, các chủ hồ cũng phải đảm bảo quan trắc được lượng nước về hồ. Đây là vấn đề then chốt, vô cùng quan trọng, là trách nhiệm của cơ quan điều hành, chủ hồ. Trong mỗi đợt mưa lũ phải xác định được đỉnh lũ; đề nghị thuê đơn vị tư vấn để khảo sát đánh giá hiện trạng về khí tượng thủy văn ở từng lưu vực cụ thể, kiểm định, hiệu chỉnh các thiết bị…
Ông Thanh nhấn mạnh, các chủ hồ thủy điện, thủy lợi phải đảm bảo phối hợp thông tin tốt với các địa phương vùng hạ du. Phối hợp với các địa phương kiểm tra đảm bảo hoạt động các trạm cảnh báo; kiểm soát camera giám sát vận hành hồ; cung cấp thông tin kịp thời về văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh để phục vụ công tác vận hành. Thủy điện Sông Bung 2 đang chuẩn bị làm thủ tục để tích nước. Tuy nhiên, đây là thủy điện từng xảy ra sự cố, nên cũng hết sức lưu ý quá trình tích nước, vận hành, không được chủ quan.
Đối với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương, cần rà soát các khu vực đông dân cư, có nhiều người đi lại ở vị trí, khu vực nguy hiểm có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Phải khẩn trương cắm biển báo, khoanh dây tránh nguy hiểm; cập nhật hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro; lấy ý kiến người dân và cập nhật số người dân tham gia khi thiên tai xảy ra.
Các địa phương tổ chức di dời dân; tổ chức kè tạm thời ở khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn. Địa phương có nguy cơ sạt lở cao kiểm tra lại các điểm đã sạt lở trước đây xem có nguy cơ tiếp tục sạt lở nữa hay không, đánh giá mức độ nguy hiểm để cảnh báo kịp thời, và dự báo những điểm tương tự sẽ gây sạt, gây trượt, nhất là khu vực dân cứ sống gần nơi nguy hiểm; phối hợp kiểm tra hành lang an toàn thoát lũ. Đối với thành phố Hội An, cần khẩn trương thi công kè Cửa Đại. Đến giờ thì chắc chắn không kịp tiến độ, do đó phải đánh giá lại điểm dừng kỹ thuật và phải có điểm khóa để không gây xói lở, tiếp tục tổ chức thi công khi thời tiết cho phép.
Lập trang Facebook thông tin phòng chống thiên tai
Theo BCH PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam, ngoài công tác tuyên truyền, nâng cấp vận hành trang thông tin điện tử đơn vị, lập trang Facebook “Quảng Nam - Thông tin phòng chống thiên tai” là để kịp thời thông tin đến người dân.