Bộ Công Thương cho biết, theo thông tin từ lãnh đạo các Sở Công Thương Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, một số huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã chuyển hàng hóa thiết yếu tới hỗ trợ nhân dân vùng bị ngăn cách, ngập lụt và thực hiện nhiều công tác cứu trợ khác.
Các Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tại thành phố dự trữ hàng hoá thiết yếu theo kế hoạch và luôn chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp hàng hóa các huyện bị ngập lụt khi có yêu cầu. “Hiện nay không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng; giá cả một số mặt hàng như thực phẩm, rau có tăng nhưng không cao”, Bộ Công Thương cho biết.
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tại Nghệ An, mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ tại một số khu vực, làm gián đoạn cấp điện trên địa bàn các huyện Quỳ Châu, Con Cuông, Yên Thành và thành phố Vinh. Hiện tại còn 1 đường dây trung thế bị sự cố, gây mất điện 19 trạm biến áp phân phối tới 5 xã làm ảnh hưởng đến 5.960 khách hàng.
Tại Hà Tĩnh, trong số 8 huyện thị bị ngập lụt cục bộ, nghiêm trọng nhất là địa bàn huyện Hương Khê và Kỳ Anh, ảnh hưởng vận hành 18/49 đường dây trung thế. Các điện lực trên địa bàn đã phải sa thải phụ tải 138.504 khách hàng để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Đến chiều 17/10 vẫn còn khu vực huyện Hương Khê và 2 xã thuộc huyện Thạch Hà, 3 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên chưa khôi phục cấp điện được, do nước lũ chưa rút.
Tại Quảng Bình, điện lực địa phương khôi phục cấp điện cho TP Đồng Hới và các huyện Quảng Ninh, Minh Hóa. Các điện lực đang tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình nước lũ để khôi phục phụ tải các khu vực còn lại. Tổng công suất còn chưa cung cấp được cho phụ tải các huyện bị ảnh hưởng mưa lũ khoảng 15,6MW.
Hiện các đơn vị thuộc EVN đang tập trung toàn bộ nhân lực để kiểm tra các điều kiện kỹ thuật, an toàn và cấp điện trở lại cho khách hàng ngay khi đủ điều kiện đóng điện.