Mưa lớn kết hợp triều cường ở Cà Mau, người dân ngồi canh cửa tát nước

TPO - Hai ngày qua, triều cường dâng cao cùng thời điểm mưa lớn khiến nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Cà Mau ngập nặng. Người dân phải ngồi canh ở cửa tát nước tràn vào nhà.

Hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trung bình từ 101 mm trở lên, có nơi lên đến hơn 317 mm. Mưa lớn kết hợp cao điểm đợt triều cường gây ngập cục bộ nhiều tuyến đường và một số khu vực trũng thấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân trong tỉnh.

Tại một số tuyến đường có nền thấp như đường Nguyễn Trung Trực (phường 8) hay các tuyến đường chưa được nâng cấp ở phường 5 (thành phố Cà Mau) như: Nguyễn Ngọc Sanh, Bùi Thị Trường,... xe máy không thể di chuyển dưới lòng đường. Những tuyến đường có mật độ giao thông cao như đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương,... các phương tiện di chuyển khó khăn.

Ông Võ Minh Phúc (phường 5, thành phố Cà Mau) chia sẻ: “Từ trước đến nay, ở đây nếu mưa to có ngập một ít chứ không đến cỡ này. Từ hôm qua đến nay, nước rút không kịp, mưa quá lớn. Trước đây chỉ ngập 2 bên mé đường chút thôi nhưng giờ ngập cả giữa đường. Nhà tôi chưa bao giờ bị nước tràn vô, nhưng tát ra rồi nước cũng lại tràn vô nữa. Bớt mưa thì tát ra tiếp…”.

Vợ chồng ông Phúc ngồi canh cửa tát nước.

Bà Lê Thị Ngọc Hiến (ở phường 8, thành phố Cà Mau) cho biết, bà sinh sống ở thành phố đã mấy chục năm, chưa lần nào chứng kiến cảnh ngập lụt như vậy. “Đợt này thấy quá trời. Vừa hết mưa tát ra, mưa nữa lại tràn vô”, bà Hiến nói.

Ngập lụt dâng cao và kéo dài bất thường khiến nhiều người dân không thích ứng kịp, nước tràn vào nhà; nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán cũng bị ảnh hưởng. Riêng ở một số vùng quê, người dân phải dùng máy bơm tát nước ra ngoài sông.

Chiều 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục ngập úng do mưa lớn, triều cường gây ra.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị chức năng và người đứng đầu chính quyền các địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo ngập úng do mưa lớn kết hợp với triều cường, thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó.

Cùng với đó, cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ vuông, bờ bao khuôn hộ bảo vệ sản xuất. Hướng dẫn người dân kê cao tài sản, hàng hóa hoặc di dời để tránh ngập, gây hư hỏng. Thực hiện các biện pháp phòng tránh ngập gây thiệt hại tài sản, tài liệu của cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát các vị trí, đoạn đường bị hư hỏng, ngập úng, vị trí cống bị hư hỏng nắp cống, chủ động có giải pháp phòng ngừa, hướng dẫn, cảnh báo để người tham gia giao thông biết, tránh xảy ra tai nạn, đảm bảo giao thông đi lại an toàn.

Nhiều tuyến đường ở thành phố Cà Mau ngập trong nước.

Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm nâng cao nhận thức của học sinh về phòng, chống tai nạn đuối nước; chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, có phương án điều tiết thời gian học phù hợp; chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các điểm trông giữ trẻ tập trung, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh tổ chức đưa đón trẻ an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau được giao chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng có liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào cửa biển, kiên quyết không cho ra biển hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định, nhất là các phương tiện không đảm bảo trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc.