Mưa đá sẽ nhiều và khốc liệt hơn

Trước tình trạng mưa đá, lốc xoáy xảy ra dồn dập tại các tỉnh thành phía bắc, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đưa ra nhiều dự báo về thời tiết năm nay.
Những viên đá lớn dồn thành đống sau trận mưa đá kèm gió lốc chiều 1.4 tại các xã Thượng Phùng, Xín Cái, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang - Ảnh: Quỳnh Lưu

Trước tình trạng mưa đá, lốc xoáy xảy ra dồn dập tại các tỉnh thành phía bắc, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đưa ra nhiều dự báo về thời tiết năm nay.

Ông Lê Thanh Hải

Ông Hải nói: Từ cuối tháng 3 đến nay, mưa đá, lốc xoáy dồn dập xuất hiện tại một loạt các tỉnh thành phía bắc và Tây nguyên, báo hiệu mưa đá đã vào “mùa”.

Trận mưa đá đầu tiên được ghi nhận tại Cao Bằng với cường độ được cho là mạnh nhất trên địa bàn từ trước đến nay. Nhiều viên đá to bằng quả trứng gà, thậm chí bằng nắm tay đã làm nhiều người bị thương, 4.800 nhà dân và trường học hư hỏng.

Sau đó, giông lốc, mưa đá liên tiếp trút xuống Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang... gây thiệt hại nặng nề. Tại Tây nguyên, Kon Tum là địa phương đầu tiên phải hứng chịu mưa đá kèm giông lốc.

Theo ông, mưa đá sắp tới có còn xuất hiện nhiều?

Bây giờ đang là thời điểm giao mùa, ở miền Bắc đang chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng, miền Nam chuyển từ mùa khô sang mùa mưa.

Sự xung đột giữa các hình thái thời tiết, sự xáo trộn của các khối khí ẩm với khối khí khô, mặt đất được mặt trời hun nóng cũng làm tăng cường độ các cơn giông; gặp điều kiện địa hình phù hợp, tạo nên hiện tượng đối lưu phát triển lên bên trên tầng đối lưu của khí quyển sẽ sinh ra mưa đá. Vì thế, trong thời gian tới, mưa đá sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và gay gắt hơn.

Mưa đá có thể xuất hiện, trút xuống ở bất kỳ đâu trên địa bàn toàn quốc, nhưng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt phía tây dãy Hoàng Liên Sơn, vùng núi phía bắc, vùng núi các tỉnh Bắc Trung bộ, khu vực Tây nguyên và miền Đông Nam bộ.

Đến cuối tháng 5, mưa đá tại miền Bắc mới bắt đầu giảm và chỉ thực sự “dứt” trong tháng 7. Mùa mưa đá tại Tây nguyên và Nam bộ sẽ kéo dài đến khi các khu vực này chính thức bước vào mùa mưa, khoảng nửa cuối tháng 5 đầu tháng 6.

Dự báo năm nay sẽ có bao nhiêu cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, thưa ông?

Theo nhận định của chúng tôi, năm 2014 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở khoảng 9 - 10 cơn, thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Trong đó sẽ có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần chủ động đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc tình huống áp thấp nhiệt đới, bão ảnh hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn, trong đó không loại trừ có “bão đôi”, bão rất mạnh hoặc thậm chí có thể siêu bão.

Mùa hè nắng gay gắt hơn

Theo ông Lê Thanh Hải, mùa hè năm nay nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm và khá gay gắt, tương đương năm 2011.

Số đợt nắng nóng gay gắt ở Bắc bộ có thể tập trung nhiều từ tháng 5 đến tháng 7, ở Trung bộ còn có thể kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8.

Người dân các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng 39 - 40 độ C và kéo dài trong 4 - 5 ngày liên tiếp; có thể có những trị số nắng nóng kỷ lục quan trắc được trong mùa hè này.

Theo Bùi Trần
Theo Thanh Niên