Bình Thuận là một trong 28 tỉnh, thành ven biển bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng biển xâm thực.
Thấp thỏm khi tới mùa gió Bấc
Cuối năm 2017, sóng lớn kết hợp triều cường đã làm nhiều nhà dân sống dọc bờ biển thuộc thôn Tân Hải, xã Long Hải (huyện Phú Quý, Bình Thuận) bị phá nát, một số nhà bị hư hại hoàn toàn chỉ còn trơ lại lớp đất nền và hàng gạch vỡ vụn. Người dân phải xây nhà lùi vào phía bên trong; Phía trước nhà phải đổ đá, bê tông xây vòng thành hay bậc tam cấp kiên cố nhằm giảm nhẹ sức tàn phá của thiên tai.
Nhiều năm trở lại đây bờ biển ở xã Long Hải bị xói lở vào trong cả 50 - 70m, nhiều lớp nhà bị sóng cuốn trôi. Anh Trần Tuấn (ở xã Long Hải) nói: “Nếu không xây kè, những dãy nhà của các hộ phía trong khó mà tồn tại được”.
Đó cũng là nỗi lo của hàng trăm cư dân sinh sống ở vùng “biển lở” của tỉnh Bình Thuận mỗi khi vào mùa gió Bấc (từ khoảng tháng 11 âm lịch đến tháng Giêng, tháng 2 âm lịch năm sau). Gần 10 năm nay, dọc bờ biển của khu phố B và khu phố C, phường Thanh Hải (thành phố Phan Thiết) luôn xảy ra tình trạng xói lở bờ biển. Cách đây 3 năm, trận triều cường cuối năm với mức độ lớn đã làm cho nhiều nhà dân ở đây bị hư hại, trong đó có 5 căn bị sập hoàn toàn. Sóng biển cao gần 3m khiến nước biển tràn vào cả phía trong nhà dân. Bà Nguyễn Thi Trinh (ở khu phố B, phường Thanh Hải) lo lắng: “Nhiều đêm thấp thỏm, lo âu không ngủ được, cứ sợ sóng biển dâng cao bất ngờ”.
Từ chỗ có đất, có nhà, có nơi ở ổn định, song không ít cư dân ven biển ở Bình Thuận phải bỏ đi nơi khác.
Theo thống kê, trong 10 năm trở lại đây, khoảng 22km chiều dài bờ biển trên địa bàn tỉnh bị xói lở, có nơi bị ăn sâu vào trong hàng trăm mét. Sạt lở bờ biển chủ yếu xảy ra ở các địa phương như: xã Tiến Thành, phường Đức Long, Hàm Tiến, Thanh Hải (thành phố Phan Thiết); phường Phước Lộc, xã Tân Phước (thị xã La Gi); thị trấn Liên Hương, xã Vĩnh Tân, xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong). Từ năm 2015 đến nay đã có hơn 400 hộ dân vùng biển của Bình Thuận đã phải di dời đến nơi ở khác.
Du lịch bị ảnh hưởng
Tỉnh Bình Thuận có 192km chiều dài bờ biển, đây là lợi thế không nhỏ để phát triển kinh tế, trong đó ngành du lịch. Nhưng tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển xảy ra liên tục trong nhiều năm đã khiến cho hạ tầng các khu du lịch của tỉnh Bình Thuận, nhất là khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né bị hư hại nặng. Ở đây, cứ vào mùa Nam (nhất là thời điểm tháng 4 tháng 5 âm lịch) sóng biển động và dâng rất cao. Sau mỗi đợt sóng, lớp cát bên trong bị kéo ra ngoài, làm sạt lở ven bờ, gây mất an toàn cho du khách khi tắm biển. Không ít nhà hàng, khách sạn, resort đã phải bỏ ra cả tỷ đồng để làm kè mềm tạm bằng túi vải rồi bơm cát vào trong nhằm chắn sóng, đồng thời xây kè đá phía trong để bảo vệ hạ tầng, bảo vệ đất đai.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, việc làm kè tạm không theo quy chuẩn chung sẽ gây hệ lụy xấu, có thể làm cho những nơi khác tiếp tục bị sạt lở. Những dải kè tạm mềm trải dọc bờ biển cũng làm xấu đi hình ảnh của một bãi biển thiên thiên thơ mộng Hàm Tiến - Mũi Né. Không chỉ vậy, khi những chiếc túi vải dùng để làm kè mềm này bị hư và sóng biển kéo ra xa bờ, nó còn làm cho môi trường bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết: Trước đây, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng được gần 21,4km kè biển chống xâm thực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 22km bờ biển bị sạt lở vẫn chưa được đầu tư do thiếu vốn. Theo tính toán, để làm 1km kè kiên cố cần khoảng 30 tỷ đồng.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ cho tỉnh Bình Thuận 180 tỷ đồng để xây kè biển chống xâm thực gồm kè bảo vệ khu dân cư phường Phước Lộc (thị xã La Gi); kè chống sạt lở bờ biển xã Tiến Thành, phường Đức Long, Hàm Tiến (thành phố Phan Thiết), kè chống sạt lở bờ biển kết hợp nạo vét cửa biển Liên Hương (huyện Tuy Phong). Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có đoạn kè 500m chống sạt lở bờ biển phường Hàm Tiến (thành phố Phan Thiết) được khởi công vào cuối tháng 11/2019.