Ðời tư cá nhân, cần được bảo vệ
Như báo chí đã thông tin, Bộ Tài chính đã từng lấy ý kiến về dự thảo Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tương tự, tại một hội nghị trực tuyến vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cũng đề xuất Chính phủ cho Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.
Ngày 9/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Ðặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, đến thời điểm này, cá nhân ông và Thường trực Ủy ban chưa tiếp cận thông tin chính thức, vì chưa có bộ, ngành hay địa phương nào trình xin ý kiến về việc này. Ông Dũng khẳng định, tất cả các chủ trương cần được thực hiện theo luật định. Với đề xuất của Hà Nội, trước tiên cần nghiên cứu về thông lệ quốc tế, xem họ có khai thác sử dụng không.
“Thông tin về vấn đề này hiện còn rất mù mờ, không nhiều. Hiện ngành công an đã làm việc này, theo tôi không nên áp dụng việc thu đó. Vấn đề này liên quan đời tư cá nhân, cần được bảo vệ, cứ khai thác tràn lan thì cũng rất kẹt. Cần căn cứ vào luật, nếu trái quy định thì không được phép. Nếu ngoài quy định phải trình Quốc hội. Làm gì thì làm cũng phải thực hiện theo đúng Hiến pháp. Vi phạm bí mật thông tin đời tư là không nên”, ông Dũng bày tỏ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng tỏ ra khó hiểu khi nhiều thông tin liên quan đến chuyện thuế, phí liên tục được tung ra khi chủ trương chưa rõ, khiến dư luận bức xúc. “Chẳng hạn như với Luật Thuế tài sản, đến thời điểm này vẫn chưa có chủ trương gì về lập pháp, nhưng tự nhiên có cơ quan lại tung tin bao nhiêu m2 trở lên phải đóng thuế, rất phản cảm”, ông Dũng dẫn dụ.
Ông Bùi Ðặng Dũng lý giải, theo thông lệ, tất cả những nội dung đó muốn “thành hình thành vẻ”, trước tiên phải được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, năm này cho ý kiến, năm kia dự kiến Quốc hội thông qua. Nhưng Luật Thuế tài sản chưa có dự kiến gì cả, mới chỉ đang ở góc độ các cơ quan nghiên cứu.
Theo ông Dũng, dự án luật này có khi cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 “chưa chắc đã đề cập đến”. Lý do là trong bối cảnh hiện nay, vấn đề thuế, phí vốn rất phức tạp, nhạy cảm.
Muốn làm phải xin ý kiến dân
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, đề xuất này rất “mới lạ”. Song nếu khai thác thông tin về dữ liệu dân cư thì cần đảm bảo đúng quy định, được luật pháp cho phép. Bởi việc này có thể liên quan bí mật đời tư cá nhân, đó là quyền bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ, nên phải hết sức thận trọng.
Ông Phạm Văn Hòa.
“Cần xem xét lại việc này, xem pháp luật có cho phép không. Nếu pháp luật không cho phép mà cứ áp dụng là sai. Còn theo cá nhân tôi thì không nên áp dụng việc thu này. Cần có sự bàn bạc cẩn thận hơn, đặc biệt phải tham vấn người dân, xin ý kiến cơ quan bảo vệ pháp luật, xem có vi phạm về nhân thân, về đời tư không”, ông Hòa bày tỏ.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, tăng thu cho ngân sách là điều đáng hoan nghênh, nhưng điều quan trọng phải thu cách nào cho đúng, cho phù hợp điều kiện thực tế. Ông Hòa cảnh báo, không loại trừ có những cái sẽ bị lợi dụng để phục vụ mục đích cá nhân. Chính bởi vậy, phải phân biệt rạch ròi, thông tin nào luật cho phép và không cho phép, thông tin nào cá nhân cho phép và không cho phép.
“Cần hết sức thận trọng, nếu không dẫn đến xung đột giữa người muốn khai thác, người bị khai thác và người cung cấp thông tin. Không phải vì thu phí mà làm ảnh hưởng đến đời tư của công dân”, ông Hòa nói.