Bệnh hiểm, bùa yêu… chữa tất
Vào tháng 3, anh Kỳ Anh, 32 tuổi và chị Thủy, 30 tuổi ở quận 12, TPHCM, làm đám cưới trong tình trạng mẹ cô dâu và người thân phản đối. Lý do, trước đó mẹ của chị Thủy được “thầy” Quỳnh Chi (ở ấp 5, xã Tam An, Long Thành, Đồng Nai) cho biết, anh Kỳ Anh đã bỏ bùa yêu chị Thủy khiến chị - một tiến sĩ học ở Hàn Quốc, không dứt ra được người chồng mới cưới. Vì lý do đó, mẹ chị Thủy đã đưa chị đến gặp “thầy” Quỳnh Chi. Để giải bùa yêu, “thầy” Quỳnh Chi yêu cầu gia đình đi mua trứng, sau đó lăn lên người chị Thủy và cũng lấy trong quả trứng 3 mảnh giấy bùa với một chùm tóc rối. Trước sự việc này, mẹ chị Thủy đã quyết định không cho chị lấy anh Kỳ Anh.
Trước tình cảnh vợ suy sụp tinh thần, mẹ con không nhìn mặt nhau, còn mình bị cho là “kẻ xấu”, anh Kỳ Anh đã tìm mọi cách để minh oan. Cuối tháng 3, anh Kỳ Anh nhờ em gái là sinh viên Trường ĐH Xã hội và Nhân văn TPHCM, vào vai bị bạn trai bỏ bùa yêu đến nỗi quay cuồng vì nhớ nhung, phải bỏ học. Khi đến gặp “thầy” Quỳnh Chi, cô sinh viên này lên đưa cho “thầy” xem tấm hình của một chàng trai chưa bao giờ gặp mặt mà cô tìm lấy trên Internet. Bổn cũ soạn lại, “thầy” lấy 3 tờ giấy ghi chữ và tên tuổi của cô sinh viên, bảo đem về gối đầu giường. 20 ngày sau, cô sinh viên lại đến, bà Quỳnh Chi cũng yêu cầu đi mua trứng về lăn, rồi lại “gỡ” ra 3 mảnh “giấy bùa”, phán: “Từ nay con thoát bùa yêu”. Dù luôn miệng nói “thầy làm việc không lấy tiền”, nhưng mỗi lần cho và gỡ bùa mọi người đều phải lễ cho thầy. Nếu thầy lăn trứng để gỡ bùa thì lễ 500 nghìn - 1 triệu đồng. Còn chưa lăn trứng thì lễ ít nhất 200 nghìn đồng.
Bà Quỳnh Chi cho biết, mình là pháp sư nên đi đây đi đó nhiều, trong tỉnh, ngoài tỉnh, thậm chí đi chữa bệnh, gỡ bùa cho các đại gia bên Trung Quốc, Lào hay Mianma. Bà còn khoe mới đi gỡ bùa cho hoàng tử Thái Lan về.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng công an xã Tam An cho biết, “pháp sư” Quỳnh Chi tên thật là Phạm Thị Xuân Thanh ngụ tại địa phương từ lâu, chủ yếu làm nghề giải bùa ngải, lăn trứng chữa bệnh, mê tín dị đoan hơn 10 năm nay. “Năm 2008, chính quyền đã kiểm tra, xử lý. Lúc đó bà Quỳnh Chi đã viết cam kết từ bỏ nghề lừa đảo này. Năm 2009, bà Thanh chuyển hộ khẩu đi nơi khác nên chính quyền không biết bà về lại đây tiếp tục trò lừa cũ” - ông Hiệp nói. Trước đó, tháng 8-2001, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống tệ nạn mê tín dị đoan do Sở Y tế Đồng Nai cùng Công an huyện Long Thành…, đã kiểm tra nơi hành nghề của bà Quỳnh Chi. Tại đây, Đoàn đã lật tẩy màn “ảo thuật” của “pháp sư” dùng trứng lăn lên người, sau đó đập trứng ra thì thấy dao lam, mảnh sành, tóc rối và giấy bùa.
Bằng cách ngâm những quả trứng vào nước giấm, hóa chất khiến trứng mềm nhũn ra, sau lấy mảnh sành, tóc rối, giấy bùa hay dao lam, đinh…bỏ vào trong trứng. Để một thời gian khoảng vài tiếng, trứng sẽ trở lại bình thường. Khi “gỡ bùa”, bà Quỳnh Chi yêu cầu những người đến chữa bệnh đi mua trứng ở quán trong xóm. Mua trứng về, họ đưa cho người nhà bà Quỳnh Chi thì những người này tráo trứng mới mua với trứng có “vật lạ”, rồi đưa cho bà Quỳnh Chi. Vì vậy, sau khi lăn xong, bà Quỳnh Chi đập ra thấy tóc, giấy bùa thì ai cũng tin.
Trị bệnh bằng nước lã
Ngoài “thầy” Quỳnh Chi ở xã Tam An còn xuất hiện 2 thầy chữa bệnh tào lao khác là “thầy” Kiều và “thầy” Em. Với lời đồn đoán thầy trị được bá bệnh, con bệnh tìm đến và được hai “thầy” chữa trị bằng khấn vái, xoa nắn và… cho uống nước lã.
Chúng tôi tìm đến nhà “thầy” Kiều. Nhà “thầy” tọa bên bờ rạch Bà Chèo, có hẳn một khu nhà nghỉ cho khách Đài Loan làm việc ở KCN Long Thành thuê ở dài hạn. Cơ sở chữa bệnh của “thầy” là khu điện thờ. Trên bệ thờ la liệt các mâm hoa quả của người bệnh cúng dường, khói hương nghi ngút tạo nên vẻ kỳ bí. Bà Nguyễn Thị Thành, nhà ở phường Tân Mai (TP Biên Hòa) kể: “Tôi bị đau hai khớp chân, chữa trị ở các bệnh viện nhiều năm nay nhưng không khỏi, nghe mọi người mách bảo thầy chữa trị rất hay nên tôi tìm đến, biết đâu may chủ phước thầy”. Biết chúng tôi đến với mục đích chữa bệnh, một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi, giới thiệu tên T. phụ giúp “thầy” đón khách, chữa bệnh. Ông T. cho biết: “Thầy được bề trên ứng vào để chữa bệnh, cứu nhân độ thế. Thường thì thầy chữa bệnh vào các ngày 7-8; 17-18, 27-28 hằng tháng, các ngày đó bệnh nhân từ các nơi đổ về mới đông”. Chúng tôi đề cập phí chữa bệnh, ông T. xua tay: “Thầy không lấy tiền, chữa bệnh từ thiện thôi, chỉ cần mang nhang đèn trái cây đến cúng là được rồi”.
Đợi đến quá trưa, một người phụ nữ xuất hiện, đảo mắt nhìn con bệnh một lượt, rồi nhỏ to hỏi người nhà về sự hiện diện của chúng tôi. Ông T. giới thiệu “thầy” với chúng tôi. Đó là một phụ nữ ngoài 40, nhan sắc khá mặn mà. “Thầy” nhìn chúng tôi với ánh mắt sắc lẹm, hỏi ai giới thiệu đến. Có lẽ muốn chúng tôi là người ra về trước, “thầy” ưu tiên chữa bệnh trước. Anh bạn cùng đi với chúng tôi trở thành bệnh nhân của thầy khai bệnh đang đau nhức nửa người từ đầu đến chân. Bệnh nhân than thở đã chữa trị nhiều năm rồi nhưng không khỏi. Một đệ tử của “thầy” mang nửa chai rượu xin từ trên bàn thờ bề trên xuống, “thầy” tưới rượu lên những chỗ đau nhức của bệnh nhân rồi dùng tay xoa bóp. “Thầy” luôn miệng hỏi bệnh nhân: “Hết đau chưa?”. Khoảng 15 phút “thầy” kết thúc bài chữa bệnh. Thỉnh một chai rượu khác đưa cho bệnh nhân, “thầy” dặn mang về xoa thêm hôm sau đến trị bệnh tiếp.
Rời nhà “thầy” Kiều, chúng tôi đến nhà “thầy” Nguyễn Thị Em. Hỏi bệnh tình xong, thầy đốt nhang khấn vái trước bàn thờ. “Thầy” vo mấy lá trầu tẩm rượu chà lên vị trí đau của người bệnh một hồi, rồi hỏi: “Đỡ đau nhức rồi phải không?”. Không đợi bệnh nhân trả lời, “thầy” lại bàn thờ xin một cốc nước lã, ra am thờ ngoài sân thầy xin thêm hai cốc nước lã khác, hòa chung với nhau rồi đưa bệnh nhân, buộc uống hết để trị bệnh. “Thầy” dặn chúng tôi, 8 giờ ngày mai đưa người bệnh đến tái khám.
Ông Võ Văn Luật - Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết: “Trước đây, hai đối tượng này có chữa bệnh bằng nước lã, chính quyền đã mời lên bắt cam kết không được chữa bệnh và họ dẹp rồi. Nghe nói, chỗ bà Em có chữa bệnh nhưng bà ta đi nơi khác chứ không hành nghề tại địa phương”.