Lai Châu - phên giậu vững bền

Một thời tìm dân lập bản

TP - Sau khi dựng nhà, lập bản, Bộ đội Biên phòng phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ cây, con giống và bố trí người tại bản để hướng dẫn người dân thông qua các mô hình sản xuất, chăn nuôi… Nhờ vậy, nhiều bản người La Hủ ở Mường Tè (Lai Châu) đã thật sự thay đổi.

Đổi thay ở Pa Ủ

Từ Thu Lũm, chúng tôi quay lại Pa Ủ (xã khó khăn nhất huyện Mường Tè) nơi có đỉnh Phu Si Lung cao hơn 3.000m so mực nước biển. Cung đường Thu Lũm - Pa Ủ gần 100km cheo leo trên sườn núi. Những khúc cua tay áo dày đặc, một bên là vách đá, một bên là vực sâu hun hút. Chiếc xe gầm cao phải nhích từng mét vượt qua những đoạn đường sạt lở đang san ủi, sửa chữa khiến chúng tôi mất nửa ngày mới tới được Đồn Biên phòng (ĐBP) Pa Ủ.

Một góc nhà Trưởng bản Pha Bu Pờ Lò Hừ được xếp kín thóc

ĐBP Pa Ủ được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới dài 28 km. Xã Pa Ủ có 894 hộ với trên 98% là người dân tộc La Hủ sinh sống ở 11 bản. Trước đây, người La Hủ thường làm nhà, lều rải rác ở ngay trên nương, trên núi cao thuộc hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ huyện Mường Tè. Nhà lợp lá khi còn xanh, lá vàng lại chuyển đi nơi khác nên người La Hủ mới có tên Xá Lá Vàng. Người La Hủ về Pa Ủ lập bản từ những năm 2006 - 2008. Ngày đầu lưa thưa vài nóc nhà dựng quanh ĐBP, còn lại đa phần vẫn còn ở xa, họ sống từng chỏm vài hộ heo hút mãi trên những dãy núi cao.

Sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi theo chân bộ đội lên bản Pha Bu. Đầu bản là hai điểm trường Tiểu học, THCS và mầm non Pha Bu được xây dựng khang trang, kiên cố. Trục đường chính trong bản đã được thảm bê tông. Hai bên đường là những căn nhà mái tôn, nhà sàn gỗ đỏ au san sát. Nhà Bí thư, Trưởng bản Pờ Lò Hừ (SN 1981) nằm ở giữa bản.

Thấy chúng tôi, Bí thư Pờ Lò Hừ người dong dỏng cao, mặt sạm đen nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng trắng. Trước cửa nhà anh Hừ, một chiếc xe tải “mới cóng” được phủ bạt cẩn thận. “Mua xe để chở thóc của gia đình, thỉnh thoảng chở giúp bà con trong bản. Xe mua hơn 400 triệu về để đây thôi, tôi còn đang đi học lái. Tối nay, tôi thịt con bò để khao bản xe mới đấy”, anh Hừ khoe.

Pờ Lò Hừ khoe chiếc xe tải mới mua để phục vụ gia đình, dân bản

Khuôn viên nhà anh Hừ có một căn nhà sàn rộng chừng 100m2, phía sau còn có căn nhà cấp bốn với mái tôn khang trang. Ngay cửa vào, một góc dưới sàn nhà có 300 bao thóc. Trên tường gỗ treo la liệt những bằng khen, giấy khen của anh Hừ và con cái. Bên trong gian nhà cấp 4 lại có hơn 700 bao thóc nữa được chủ nhà xếp ngay ngắn.

Bí thư Pờ Lò Hừ là người La Hủ, sinh ra ở bản Trà Kế. Thủơ nhỏ, anh theo cha mẹ di chuyển khắp vùng, không được học hành, kinh tế khó khăn, không đủ ăn. Anh em họ hàng mỗi người một nơi, đi đến đâu dựng lều lán ở đến đó. Đến năm 20 tuổi, anh về bản định cư, tập trung chăn nuôi gia súc. Sau khi chính quyền, bộ đội biên phòng san nền lập bản, anh kéo anh em, họ hàng về bản định cư, hướng dẫn họ chăn nuôi, sản xuất. Cứ thế cuộc sống ngày một ổn định, con cái có điều kiện đi học.

Bí thư Hừ cho biết, hiện nay, đàn trâu, bò của gia đình anh có hơn 100 con. “Những ngày mới mua con giống, tôi mạnh dạn trao đổi với cán bộ xã, chỉ huy ĐBP (gọi điện bất kể thời gian nào) để hỏi cách chăm sóc, thời điểm mua giống, chữa bệnh… Các anh ấy chỉ bảo tận tình, sâu sát nên tôi ngày càng có kinh nghiệm. Không những thế, mỗi khi muốn trồng cây gì, nuôi con gì tôi đều điện thoại hỏi ý kiến các anh ấy”, anh Hừ chia sẻ và cho biết thêm, ngoài trồng lúa nước gia đình anh còn trồng gần 200m2 tam thất, thu hoạch thảo quả. Tổng thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng.

Không chỉ thế, Bí thư bản Pha Bu còn tạo công ăn việc làm cho 20 người, có lúc cao điểm lên đến 40 người. Họ là những người thân trong gia đình, hàng xóm trong bản. Mô hình hoạt động của gia đình anh Hừ giống như một HTX nông nghiệp, cùng ăn, cùng làm và cùng chia sản phẩm. Anh Hừ còn hướng dẫn, hỗ trợ những anh em muốn phát triển kinh tế, xây dựng mô hình riêng.

Từ khi được bầu làm Bí thư bản, anh đã giới thiệu 2 đảng viên, trong đó có Phó bản Pha Bu Pờ Gặng Đư. Anh Đư phấn khởi cho biết, nhờ có sự giúp đỡ của anh Hừ, kinh tế gia đình đã ổn định. Anh vừa xây một căn nhà sàn gỗ khang trang ngay đầu bản. Số tiền xây dựng cũng lên đến 400 - 500 triệu đồng.

Hành trình xuống núi của người La Hủ

Pa Ủ hôm nay có những đổi thay đó là kỳ tích của chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng. Là người La Hủ, Phó Chủ tịch xã Pa Ủ Thàng Xuân Ly (SN 1976) khi đó là Bí thư Đoàn Thanh niên cũng trực tiếp tham gia cùng các đoàn đi vận động đồng bào về định cư những năm 2008 - 2009. “Chúng tôi biết tiếng thì tuyên truyền chủ trương chính sách để bà con thấy được lợi ích của ở tập trung, hạn chế sống ở nương ruộng thế nào. Muốn đưa bà con về trước hết là lập bản, dựng nhà.

Đầu tiền là bản Nà Xi. Dù vào mùa mưa nhưng chúng tôi đã dựng được 67 căn nhà gỗ, mái tôn. Gỗ thì khai thác tại chỗ, tôn thì vận chuyển từ ngoài vào. Rồi lương thực, thực phẩm đều do bộ đội biên phòng gùi vào hết. Có những chuyến đi 2 -3 ngày mới đến nơi. Dựng xong, chúng tôi đi đón từng hộ ở chót vót trên núi, trong rừng về bản. Lúc đầu rất khó khăn, bởi ở tập trung không quen, sống trong một quần thể, ngay cả khâu vệ sinh cũng thấy lạ lẫm. Bộ đội đón dân về ở rồi phải dựng lán ngủ lại hàng tháng trời để hướng dẫn cho người dân từ sinh hoạt, nấu nướng…”, ông Ly nhớ lại.

Ở ĐBP Pa Ủ có Thiếu tá quân y Lý Văn Hướng lên công tác từ những năm 1990 khi mới là chiến sỹ.

Khi vận động người La Hủ về bản sống tập trung, Thiếu tá Hướng đã biết tiếng nên có khi tham gia với vai trò là phiên dịch viên. “Người dân mê tín, họ lo về tập trung thì không biết ăn gì. Ở trong rừng, trong khe còn đào được củ sắn, củ mài để ăn. Chúng tôi nhiều lần đến nói: Phải về ở tập trung cho con cái được học hành. Rồi mỗi lần lên chúng tôi cho gạo, cho lương khô, có một vài người hiểu rồi theo về. Sau dần dần họ thấy tốt nên tự theo nhau. Lúc đó, từ Chỉ huy, Chính trị viên ĐBP đều ăn ngủ trong rừng để vác gỗ, chuyển tôn, lương thực về. Về bản, người cầm cưa xẻ gỗ, người đục mộng, anh em bộ đội thành thợ mộc cả. Rồi nhà dựng xong, người dân về ở. Điểm trường được xây dựng, xã vận động giáo viên lên dạy, trẻ được đi học. Bản làng được duy trì và phát triển ổn định từ đó đến nay”, Thiếu tá Hướng kể. (Còn nữa)

Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ Đào Văn Thức cho biết: “Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng người La Hủ ở Pa Ủ đã cơ bản có nhà ở, có nương sản xuất, đời sống dần ổn định. Có gia đình được Đồn Biên phòng giúp đỡ nuôi giữ bò để phát triển kinh tế. Có những gia đình còn tham gia giữ rừng được trả tiền dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm được chi trả hơn 20 triệu đồng. Những hộ có nương lúa kém hiệu quả sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi sang trồng rừng, trồng quế”.