Phúc lợi xã hội
Những năm 1990, ông Tập Cận Bình sống sáu năm tại thành phố Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến ở đông nam Trung Quốc, nơi ông giữ chức vụ Bí thư Thành ủy. Trong thời gian đó, ông đã thúc đẩy nhiều chiến dịch cải tạo những dân cư tồi tàn, xây mới, giúp cư dân địa phương an cư lạc nghiệp.
Cuối tháng 11/2023, chúng tôi đến thăm một số khu phố, khu dân cư, làng quê ở Phúc Kiến, tận mắt chứng kiến sức sống mới của thành phố, sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Ví dụ, khu dân cư bình dân Jia He Yuan, quận Taijing, thành phố Phúc Châu trước đây lụp xụp, đa số cư dân nghèo đói, nhưng giờ đây là tòa ngang dãy dọc chung cư cao tầng, đủ tiện ích bệnh viện, trường học, nhà trẻ, ngân hàng, siêu thị… và đặc biệt là rất nhiều chương trình phúc lợi xã hội dành cho người già (trên 60 tuổi).
Một nhà ăn tập thể sức chứa 96 người, mỗi suất ăn 20 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương 3.300 đồng), nhưng nếu là người cao tuổi, giá chỉ còn một nửa là 10 nhân dân tệ. Nếu phải nhập viện điều trị nội trú, bệnh nhân chỉ phải trả trung bình 4.500 nhân dân tệ mỗi tháng. Với những bệnh nặng, đòi hỏi chăm sóc, điều trị đặc biệt thì mức viện phí là 5.000-6.200 nhân dân tệ mỗi tháng, thấp hơn nhiều so với các bệnh viện ở nơi khác.
Giữa các tòa chung cư là kênh đào nho nhỏ, bên cạnh trồng cây, trồng hoa, lắp nhà vệ sinh công cộng, đặt máy tập thể dục, bàn cờ tướng…
Năm 2021, khi trở lại thăm Phúc Châu, gặp người dân địa phương trong công viên, ông Tập nói: “Tôi đã trải qua những năm tháng đẹp nhất đời mình ở đây”. Rồi ông trích dẫn một câu nói nổi tiếng của cư dân địa phương: “Dù đi đâu về đâu, bạn sẽ không bao giờ rời được Phúc Châu”. Tại Công viên Ngoại ô Phúc Sơn ở Phúc Châu hiện có tảng đá lớn khắc và sơn đỏ câu nói của ông Tập: “Dù Đông hay Tây, Phúc Sơn vẫn là nhất”.
Hội tụ tôn giáo
Phương Tây hay chỉ trích, gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề tôn giáo, nhân quyền, trong đó có vấn đề người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương. Tuy nhiên, khi đến thăm Bảo tàng Hàng hải Tuyền Châu ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến và các nhà thờ, đền chùa ở thành phố này, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước sự giao thoa, hội tụ tôn giáo đã bắt đầu từ ngàn năm trước.
Tuyền Châu là điểm khởi đầu của Con đường tơ lụa trên biển, thu hút nhiều thương nhân, giáo sĩ khắp nơi trên thế giới. Vì dung chứa hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới, gồm Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Cảnh giáo, Phật giáo Tây Tạng…, nơi đây được coi là “Bảo tàng tôn giáo thế giới”, là “Jerusalem của châu Á”.
Dọc một đoạn đường khoảng 800m, có tới 3 cơ sở tôn giáo sát cạnh nhau, ở giữa là Nhà thờ Hồi giáo Thanh Tịnh (một trong những nhà thờ Hồi giáo cổ nhất Trung Quốc), bên trái là đền thờ Khổng Tử và bên phải là đền thờ tín ngưỡng dân gian.
Trong Nhà thờ Hồi giáo Thanh Tịnh (xây dựng lần đầu năm 1009, sau được xây dựng lại) có cả lư hương. Tín đồ Hồi giáo không đốt hương như người theo Phật giáo, họ coi đốt hương là điều cấm kị. Nhưng người Trung Quốc cho xây một lư hương lớn bằng đá đặt ngay trước của phòng hành lễ trong Nhà thờ Hồi giáo Thanh Tịnh. Một điểm đặc biệt nữa là lư hương được tạc thành hình hoa sen trên mặt nước (hoa sen là 1 trong 8 biểu tượng của Phật giáo).
Cán bộ thành phố Tuyền Châu giải thích rằng, nếu tín đồ Hồi giáo không dùng lư hương để đốt hương thì họ có thể đốt gỗ thơm. Ngay phía trên lư hương là bức hoành phi đề 4 chữ “Vạn sự nhất bản” (Mọi chuyện có cùng một nguồn gốc). Trong Nhà thờ Hồi giáo Thanh Tịnh và Bảo tàng Hàng hải Tuyền Châu trưng bày nhiều hiện vật (cả gốc và bản sao) các phiến đá, bia mộ bằng đá… khắc các thứ tiếng Ảrập, Latin… và các hình ảnh thể hiện sự giao thoa văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, như thiên thần có cánh bay cạnh hoa sen, tiên nữ bên cạnh thánh giá…
Quản trị xã hội cấp cộng đồng
Ngày 20/9/2023, ông Tập Cận Bình đến thăm thành phố Chư Kỵ, tỉnh Chiết Giang, đề cao Kinh nghiệm Phong Kiều. Hai tháng sau, chúng tôi tới tham quan Nhà trưng bày Kinh nghiệm Phong Kiều ở thị trấn Phong Kiều, thành phố Chư Kỵ.
Theo lời giới thiệu của cán bộ Nhà trưng bày, thập niên 60, thị trấn Phong Kiều đã xây dựng và phát triển một phương cách xử lý vấn đề được gọi là “dựa trên cơ sở quần chúng để xử lý vấn đề ngay lập tức” (sau gọi là kinh nghiệm Phong Kiều và được Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông khuyến khích nhân rộng). Năm 2004, ông Tập tuyên bố, kinh nghiệm Phong Kiều là kinh nghiệm lấy người dân làm gốc, hóa giải mâu thuẫn, nhân tố tiêu cực từ sớm, giải quyết vấn đề từ cơ sở, tận gốc rễ, đồng thời nhân rộng nhân tố tích cực, thiết thực giữ gìn xã hội ổn định.
Năm 2013, ông Tập chỉ đạo phát triển, nhân rộng kinh nghiệm Phong Kiều. Năm 2019, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định: Phải kiên trì và phát triển kinh nghiệm Phong Kiều trong kỷ nguyên mới. Trước đây, sử dụng tư duy và phương pháp pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan lợi ích sống còn của quần chúng, đấu tranh bằng giải thích, kiểm điểm, giáo dục, cải tạo tại chỗ. Ngày nay, vận dụng kinh nghiệm Phong Kiều là huy động quần chúng tham gia bảo đảm an ninh công cộng, trật tự xã hội, sử dụng các công cụ tân tiến nhất, trong khi tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền.
Kết nghĩa với các tỉnh thành khắp thế giới
Tính đến cuối năm 2022, Chiết Giang đã thiết lập quan hệ hữu nghị với 521 tỉnh và thành phố ở 91 nước, theo Sở Ngoại vụ tỉnh này. Chiết Giang đã có quan hệ kết nghĩa với TPHCM và tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Phát huy giá trị văn hóa, thiên nhiên
Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm về thương trường, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ, ở Phúc Châu có mỏ đá Thọ Sơn (Agalmatolite) - loại đá mềm, dai nên rất dễ chế tác, có thể dùng dao gọt, khắc dễ dàng. Mới đây, chính quyền tuyên bố cấm khai thác đá Thọ Sơn để bảo vệ tài nguyên môi trường.
Gần đây, người dân chế tác đá và thương nhân được hưởng lợi vì tin cấm khai thác khiến giá sản phẩm đá tăng. Một viên đá chế tác đơn giản (hình củ lạc, con cá, quả đào…) bé bằng đầu ngón tay có giá tương đương vài trăm nghìn đồng, còn những tác phẩm lớn có giá hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng.
Trung Quốc quy hoạch các khu phố cổ, các khu vực dân cư từng là nơi sinh, nơi ở của các nhân vật nổi tiếng như Tây Thi (một trong tứ đại mỹ nhân thời xưa của Trung Quốc, sinh ra ở thành phố Chư Kỵ, tỉnh Chiết Giang), Lỗ Tấn (nhà văn nổi tiếng quê ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang)… thành khu vực, không gian văn hóa - nơi người dân Trung Quốc và du khách quốc tế được tham quan miễn phí.
Chính quyền và người dân địa phương thu được tiền từ bán sản phẩm, dịch vụ (đi thuyền, vẽ thư pháp, đồ lưu niệm…) và quan trọng hơn là quảng bá văn hóa, sức mạnh mềm Trung Quốc một cách tự nhiên, không tốn kém mà hiệu quả cao.
Thủ phủ ngọc trai Trung Quốc
Cuối tháng 11, ông Ding Qijie, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, dẫn chúng tôi tham quan thị trấn Sơn Hạ Hồ, thành phố Chư Kỵ trực thuộc Thiệu Hưng, nơi được mệnh danh là thủ đô ngọc trai của Trung Quốc. Sản lượng ngọc trai nước ngọt ở Sơn Hạ Hồ chiếm khoảng 80% tổng sản lượng ở Trung Quốc, năm 2022 đem lại doanh thu hơn 40 tỷ nhân dân tệ (5,8 tỷ USD).
Tháng 2/2003, Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang khi đó là ông Tập Cận Bình đã khai mở hướng đi mới cho ngành ngọc trai Chư Kỵ là không bán ngọc trai theo kilogram với giá bèo bọt nữa mà nên bán theo viên, theo món (đánh bóng, chế tác, làm đồ trang sức…), ông Ding kể.
Đẩy mạnh giao thương quốc tế
Từ nghìn năm trước đến nay, Trung Quốc từ cấp trung ương đến địa phương luôn mở cửa cho giao thương quốc tế, đem lại lợi ích thiết thực cho các nước liên quan, khu vực và thế giới. Ví dụ, tỉnh Phúc Kiến, khu vực lõi của Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, quê gốc của đông đảo Hoa kiều, đã thiết lập quan hệ thương mại với 225 nước và vùng lãnh thổ, kết nghĩa với 120 tỉnh, thành phố ở 46 nước. Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng các chính sách ưu tiên, đổi mới sáng tạo để Phúc Kiến và các tỉnh, thành phố kết nghĩa trên thế giới tham gia sâu rộng hơn vào Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, khu thương mại tự do thí điểm…
Phúc Kiến có 127 tuyến vận tải container ngoại thương, kết nối 148 cảng ở 53 nước và vùng lãnh thổ. “Vận tải Con đường Tơ lụa” là nhãn hiệu dịch vụ logistics toàn diện đầu tiên cung cấp dịch vụ hàng hải chất lượng cao cho các khu vực được liệt kê trong Sáng kiến Vành đai-Con đường. Liên minh “Vận tải Con đường Tơ lụa” được thành lập năm 2018 với hơn 300 thành viên, bao gồm nhiều ngành như cảng biển, vận tải hàng hóa, logistics, thương mại, tài chính, khoa học-công nghệ… Cảng Hambantota là cảng lớn thứ hai ở Sri Lanka và là dự án đầu tư cảng “Vành đai-Con đường” đầu tiên ở Phúc Kiến. Hiện nay, dự án đã hoàn thiện 10 bến cảng, 2 cảng dầu, 1 đảo nhân tạo hỗ trợ… với tổng công suất thiết kế 10 triệu TEU.
Phúc Kiến cũng đang thực hiện mô hình “Hai quốc gia, hai khu công nghiệp kết nghĩa” Trung Quốc-Indonesia. Đây là khu công nghiệp trình diễn phát triển và đổi mới kinh tế-thương mại đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Cụ thể là thành lập các khu công nghiệp ở mỗi quốc gia tương ứng (Khu Đầu tư Yuanhong ở Phúc Kiến và Khu công nghiệp Bintan, Khu công nghiệp Aviarna và Khu công nghiệp Badung ở 2 tỉnh Riau Islands và Java của Indonesia), đặt nền tảng cho việc tìm ra cơ chế hợp tác có kết nối công nghiệp, cơ sở hạ tầng và chính sách ưu đãi, kết hợp Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc và tầm nhìn của Indonesia về Điểm tựa hàng hải toàn cầu.
Thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến là điểm khởi đầu của Con đường Tơ lụa trên biển, là quê gốc của nhiều người Đài Loan và Hoa kiều ở 170 nước và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, Khu thương mại tự do thí điểm Trung Quốc - Chiết Giang ở tỉnh Chiết Giang có diện tích bằng 1/400 của tỉnh, nhưng năm 2022 đóng góp 6,5% số doanh nghiệp thành lập mới, 9,2% tổng thu ngân sách tỉnh, 20,6% kim ngạch xuất-nhập khẩu và 18,1% vốn giải ngân FDI. Ngoài khu này, Chiết Giang có 12 khu thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới, là tỉnh đầu tiên của Trung Quốc có các khu như vậy ở tất cả các thành phố trực thuộc.