>Phát hiện hai xác chết trôi dạt lên đảo
>Tàu hỏa đâm taxi, 9 người thương vong
Liên lạc ngắt quãng nhưng chúng tôi cảm nhận rất rõ sự xúc động của chị và mong muốn: “Anh ơi, em chỉ muốn về với chồng với con”.
Đường dây đưa người xuất khẩu lao động “chui”
Năm 2005, gia đình anh Trịnh Văn Thành - chị Phạm Thị Thuận (đội 2 Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa) quyết tâm chạy trốn cái nghèo bằng con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ). Sau 2 lần chuẩn bị đi Đài Loan (Trung Quốc) và Czech thất bại, gia đình chị Thuận vướng phải số nợ không nhỏ.
Quyết tâm thoát nghèo, anh Thành đã đồng ý để chị Thuận đi xuất khẩu lao động đến Syria. Chị Thuận được một người quen ở xã Nga Bạch là bà Tin giới thiệu có chị là Thảo ở Hà Nội có công ty chuyên đưa người sang Syria.
Nghe theo bà Tin, anh Thành đã vay ngân hàng, mang ra Hà Nội đưa cho bà Thảo 37.300.000 đồng. Sau đó, theo tìm hiểu, anh Thành được biết, chi phí cho một lao động đi bất hợp pháp như chị Thuận chỉ có 13,5 triệu đồng.
Theo anh Thành, sau khi nhận tiền, bà Thảo đưa chị Thuận và những người đi Syria cho một người khác tên là Hồng ở Quảng Ninh thu xếp đưa đi Syria. Bà Hồng đã gửi những lao động bất hợp pháp như chị Thuận sang Syria cho chị của mình là Lan tiếp quản.
Trước khi đi, vợ chồng anh Thành không nhận được bất cứ hợp đồng lao động nào, kể cả việc đưa tiền cho bà Thảo cũng không có bất kỳ giấy tờ biên nhận. Yêu cầu được đến công ty thì bà Thảo ậm ừ rồi lờ đi.
Theo lời bà Thảo thì sang Syria, chị Thuận sẽ làm công nhân may, hoặc giặt là, thu nhập khoảng 7 - 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sang Syria, chị Thuận phải nằm chờ tới 2 tháng mới được một chủ nhà người Syria đón về làm giúp việc với thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng. Qua điện thoại, chị Thuận cho biết, chủ nhà ở Syria rất tốt, nhưng họ không thể trả công cao hơn.
Sang đó được hơn 1 năm, chị Thuận gửi về cho chồng được hơn 48 triệu. Từ tháng 12/2008 đến nay, anh Thành mất liên lạc với vợ.
“Tối nào tôi cũng gọi cho vợ nhưng khi chiến sự diễn ra, không liên lạc được. Mấy tháng gần đây, gọi có đổ chuông nhưng không ai nhấc máy”,- anh Thành cho hay.
Anh Thành cũng đã nhiều lần ra Hà Nội gặp bà Thảo... đòi trả vợ về, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ngôi nhà của 3 bố con anh Thành thiếu bàn tay phụ nữ nên hoang tàn như nhà hoang, 2 cậu con trai học hết cấp ba rồi đi theo bạn bè kiếm ăn. Mình anh Thành ở nhà loay hoay với 7 sào ruộng và gần 80 triệu đồng tiền nợ ngân hàng.
Vợ mất tích hơn 6 năm, anh Thành cũng đã báo cáo với cán bộ xã là bà Ngô Thị Hiền nhưng không biết vị cán bộ này có báo cáo lên huyện hay không, mà khi phóng viên hỏi sự việc trên thì ông Mai Văn Hà, Phó phòng Lao động TBXH huyện Nga Sơn, lắc đầu nói: “Cái này chưa thấy xã báo lên nên chưa biết”.
“Em chỉ muốn về với chồng với con”
Thật bất ngờ, sau khi anh Thành cung cấp số điện thoại chủ nhà vợ đang giúp việc bên Syria, phóng viên gọi thì có người nhấc máy và đó lại chính là chị Thuận.
Sóng điện thoại ngắt quãng nhưng chúng tôi nghe rất rõ thông tin chị Thuận cho hay, 6 năm nay không thể liên lạc về gia đình được, muốn về nước thì chủ nhà cũng nói là chịu vì không biết đưa chị về bằng con đường nào bởi từ ngày chiến sự diễn ra, tình hình an ninh rất phức tạp, việc đưa người ra khỏi Syria trở nên nan giải.
“Gia đình chủ nhà bên này rất tốt, anh bảo chồng con em cứ yên tâm”, chị Thuận nói qua điện thoại như muốn nhờ chúng tôi an ủi người ở quê. Tuy nhiên, một lúc sau chị òa khóc và nói: “Em chỉ muốn về với chồng với con thôi ”. Chúng tôi rất muốn biết thêm nhiều thông tin nhưng khi gọi nhiều lần bị ngắt quãng.
Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, tìm đường để chị Phạm Thị Thuận hồi hương về với người chồng 6 năm chờ vợ.
Theo Lao Động