Giai nhân một thời
Mối duyên của tôi và họa sĩ Minh Mỹ (1922) bắt đầu từ hơn hai thập kỷ trước, khi tôi mời bà (lúc ấy đã ngoài 70) làm nhân vật của chuyên mục Giai nhân một thời trên chuyên san Người đẹp Việt Nam của báo Tiền Phong.
Bởi vì yêu cầu của chuyên mục là khai thác câu chuyện hoa niên của những người đẹp một thời nên bà kể cho tôi khá tỉ mỉ về giai đoạn niên thiếu của mình. Sinh trưởng trong một gia đình viên chức khá giả, cô gái Minh Mỹ ngoài việc tập trung học ở trường nữ học Pháp, thì chỉ thích đọc sách, xem tranh và luyện nữ công gia chánh. Thói quen này bà giữ đến già, chín mươi tuổi, ngồi riêng với tôi bà vẫn thỉnh thoảng chêm thơ tiếng Pháp và bình luận đầy duyên dáng về những sự kiện văn hóa nghệ thuật đương thời. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in giọng nói tinh tế như một hơi thở nhẹ của nữ họa sĩ gốc Kinh Bắc khi đọc thơ Lamartine: “Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé”! (Vắng một người mà tất cả quạnh hiu).
Thời đó Nguyễn Minh Mỹ đẹp nức tiếng, trong “bảng phong thần” những giai nhân Hà Nội, tên bà đều đứng ở top đầu. Bạn bà kể, cô Mỹ đi học về hôm nào “cây si” cũng đi theo thành hàng. Bị người Nhật nhòm ngó, mẹ bà phải gả gấp con gái cho một công chức bình thường. Cuộc sống tiểu thư chấm dứt, nhưng bà cũng rất nhanh thích ứng với vai trò mới: làm vợ, làm mẹ. Để duy trì cuộc sống gia đình, mười ngón tay không dính nước mùa xuân phải bươn chải làm đủ việc: từ vẽ tranh bờ hồ, đan len, may thuê, làm búp bê cho đến nuôi lợn, trồng rau…
Bà Mỹ nuôi con vất vả. Con trai cả, NSND Phạm Minh Trí từng suýt chết vì ho gà lúc sơ sinh. Bác sĩ đã trả về bảo ở nhà lo hậu sự. Bà kiên trì suốt sáu tháng, cứ ngày ngày nhỏ từng giọt sữa cho con, vì nếu nhỏ nhiều con sẽ bị sặc, tím tái không thở được. Sáu tháng gần như không ngủ nghỉ, bà cứu được một đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng sau này. Năm người con của bà, không ai là không từng qua những lần thập tử nhất sinh.
Khi bài báo trên tạp chí Người đẹp Việt Nam (số 71, năm 2001) ra sạp, bà Mỹ tỏ ra rất thích thú. Bà đem nó đi khoe với bạn bè rồi để ý ở đâu có giai nhân sẽ về “mách” cho tôi. Nhờ con mắt xanh của bà, tôi quen biết và viết thêm được hàng chục nhân vật sau đó, như NSƯT Thủy Hằng - vợ đạo diễn Trần Văn Thủy, họa sĩ Hồng Hải – nguyên mẫu thiếu nữ áo xanh trong tranh Mai Văn Hiến, bà Kim Thư - phu nhân của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, bà Ngọc Trâm - ái nữ của ông chủ báo Phong Hóa Phạm Hữu Ninh (trước khi tờ này được sang tên cho nhà văn Nhất Linh)…
Chúng tôi thân thiết với nhau từ đó, bà coi tôi như một người bạn vong niên. Khi rảnh, thì cùng nhau đi nhảy đầm. Vào những ngày nắng đẹp, bà kéo tôi ra bờ Hồ, vừa ngồi ghế đá sưởi nắng, tán chuyện, vừa thoăn thoắt đan len. Những khăn, áo, mũ, tất len đó đều là dành cho những người già, trẻ em ở các trung tâm bảo trợ xã hội. Về sau, bà Mỹ còn rất thích xin vải vụn ở các nhà may về may chăn để tặng trẻ con. Chăn của bà được phối màu như một tác phẩm nghệ thuật. Những cái khổ lớn được gửi bán ở các cửa hàng lưu niệm, gửi đến đâu bán hết đến đó, toàn bộ tiền thu được bà đều dùng làm từ thiện. Kể từ khi bắt đầu cầm cọ, mỗi bức tranh bán được bà Mỹ đều trích một phần để giúp người nghèo. Những bạn bè thân thiết đều được bà vận động cùng làm từ thiện. Nhiều người không có thời gian thì dứt khoát gửi tiền cho bà để bà gặp ai cần giúp thì giúp.
Vì công việc làm báo đi nhiều, bà Mỹ nhờ tôi thấy trường hợp nào quá khó khăn thì báo bà. Bà sẽ trích số tiền do “Minh Mỹ và những người bạn” cùng đóng góp để gửi giúp người ta. Mỗi một lần gửi tiền đi bà đều lưu hóa đơn, số bưu điện, thư cảm ơn để công khai với bạn bè, hết sức minh bạch.
Bà Mỹ không nhớ hết những trường hợp bà từng giúp, nhưng một vài người, bà vẫn giữ liên lạc. Như trường hợp lái tàu Trương Xuân Thức từng hy sinh cánh tay trái cứu hơn 300 hành khách hồi năm 2010. Sau nhiều năm, thỉnh thoảng gia đình ông Thức vẫn gọi điện cho bà hỏi thăm tình hình sức khỏe. Hay có lần, đi từ thiện ở một ngôi chùa, có cậu thanh niên chạy ra chào bà: ngày xưa cháu bé bằng chừng này, bà giúp cháu. Giờ cháu đi làm rồi, cháu lại giúp những đứa bé hơn!
Những câu chuyện từ thiện dài dằng dặc của bà Mỹ sau đó cũng được tôi đưa lên báo Tiền Phong, số ra ngày 26/3/2017. Nhờ thông tin ở bài báo này, bà được chọn là một trong những gương mặt người tốt việc tốt tiêu biểu của Thủ đô. Điện thoại cho tôi bà bảo, số tiền thưởng ấy bà dùng toàn bộ để cho người nghèo.
Con đường hội họa
Họa sĩ Minh Mỹ vào nghề muộn. Bà bắt đầu học vẽ tại Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội khi đã 32 tuổi, làm mẹ năm đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất mới lên hai. Nhưng chưa tốt nghiệp, tranh của bà đã được đem triển lãm ở khối các nước XHCN. Từ đó, bà chuyên tâm vẽ lụa.
Đối tượng vẽ bà Mỹ yêu thích nhất là trẻ em và phụ nữ. Đặt bút vẽ bao giờ bà cũng dày công chăm chút cho đôi mắt. Về sau khi đã có tuổi bà thích vẽ những nhân vật lịch sử. Bức Nam Phương hoàng hậu của bà chưa ráo mực đã có người đặt mua. Lần đầu đến nhà bà Mỹ tôi khá ngạc nhiên vì thấy tường phòng bà chỉ có hai bức lụa khổ nhỏ. Phần lớn các tác phẩm của bà đều đã nằm ở những bộ sưu tập cả trong và ngoài nước. Một số bức được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Phương Đông (Liên Xô cũ), Dresden (Đức), bảo tàng Mỹ thuật Ba Lan… Muốn ngắm lại những đứa con tinh thần của mình, bà cũng chỉ còn cách giở album ra xem ảnh chụp.
90 tuổi bà Mỹ vẫn cầm cọ. Chân yếu không đứng được lâu, thì bà ngồi vẽ. Có những ngày không đi đến đâu bà vẫn giữ thói quen trang điểm nhẹ.
Căn phòng riêng của bà lúc nào cũng có hoa tươi. Bên cửa sổ bà đặt một cái máy may. Vẽ chán, bà quay ra may chăn. May chán, bà đan. Và bà vẫn đọc, hàng ngày. Mắt kém, bà bắt chước người bạn già là nhà báo Phấn Đấu, dùng kính lúp soi từng chữ. Dăm bữa nửa tháng bà sẽ “gọi dây thép” nói với tôi về một cuốn sách mới đọc: “Này, cái cuốn mới của cô Trần Thùy Mai thú vị lắm nhé, cháu đọc chưa”? Hay “cái ông Nguyễn Huy Thiệp là ai mà viết ghê gớm thế”?
Năm 2022, bà được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Tôi cho rằng với một người tận tụy, dâng hiến cho nghệ thuật như bà Minh Mỹ, không có gì khiến bà thực sự tủi thân, thản nhiên sống và vẽ. Những tranh lụa của bà là dấu ấn thành công, lúc nào cũng mềm mại, lúc nào cũng dành tình cảm âu yếm với nhân vật trong tranh của mình. Đó là phẩm chất của người đàn bà Việt thể hiện ở người phụ nữ này. Đây là món quà trước khi bà rời cõi tạm, cũng là lời tạ lỗi âm thầm với những cống hiến của bà”.
Đóa danh hoa ấy đã nở hết vòng đời của mình vào một ngày cuối tháng 10.