Món thịt chuột và món nợ

TP - Hy vọng món chuột núi sẽ không gớm ghiếc như chuột bãi rác, cống rãnh phố phường, khi “Chào buổi sáng” của VTV1 sáng 12-1 đưa phóng sự trong đó có chi tiết học sinh một trường nội trú ở Sơn La dùng bẫy bắt chuột để có thêm miếng thịt cho bữa ăn.

> Trò chơi 'tử thần' trên cao nguyên đá
> Trẻ vùng cao tím tái trong giá lạnh

Hơn một trăm em học sinh cấp 1-2 xã vùng cao Háng Đồng (huyện Bắc Yên) ấy đang phải tá túc trong những căn lều tuềnh toàng dựng bên sườn núi, trong giá rét nhiệt độ thường xuyên dưới 10 độ.

Những em bé trên dưới 10 tuổi vụng về nấu cơm bằng cái nồi mất vung, nửa sống nửa nát. Nhưng với các em, một nỗi sợ còn lớn hơn “an toàn thực phẩm” của thịt chuột, đó là “sợ gió, sợ những cơn mưa rừng, và rất sợ mùa đông”…

Tuần trước, tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đặt ra câu hỏi nhức nhối: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn ?”.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn, người khởi xướng chương trình thiện nguyện “Cơm có thịt” cho trẻ em miền núi từ mấy năm nay, nhân câu hỏi của Thủ tướng, đã có bài báo “Xin Thủ tướng hỏi thêm”.

Câu đề nghị Thủ tướng hỏi thêm các cấp, các ngành có trách nhiệm, đó là: Vì sao chậm trễ, nhọc nhằn đến thế trong việc “trao cho các em miếng thịt cá, đơm cho các em bát cơm”.

Bởi những năm qua, đầu tư của Nhà nước cho giáo dục miền núi là rất lớn, chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú, mầm non vùng cao là không ít.

Tuy nhiên, hàng loạt quyết định của Chính phủ ban hành có hiệu lực, tiền cũng đã chi, nhưng vẫn đi lòng vòng đâu đó, có khi cả 2 năm trời vẫn chưa đến được bữa ăn của các em ! Hết chờ thông tư liên bộ lại đợi văn bản hướng dẫn của các cấp, ngành bên dưới, kéo tháng này qua năm nọ.

Nhớ lại chẳng đâu xa, ngay chính hồ sơ xin thành lập quỹ từ thiện để thực hiện dự án “Cơm có thịt cho học sinh vùng cao” của ông Tuấn và những người bạn hảo tâm còn bị “ngâm” suốt một thời gian dài.

Đến nỗi nhà báo kỳ cựu này đành phải tuyên bố “sẽ có cách làm phù hợp với luật pháp để tiếp tục giúp các em vùng cao mà không cần thành lập quỹ”. Hiện “Cơm có thịt” với sự chung tay giúp sức của đông đảo tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đã và đang làm ấm lòng hàng ngàn em bé vùng cao nghèo khó và giá lạnh.

Từ món thịt chuột, nghĩ đến món nợ rất lớn của nhiều cấp, ngành với các em nhỏ ở những vùng xa xôi, nghèo khó. Món nợ xuất phát từ thói thờ ơ, bệnh quan liêu vô cảm cộng với sự rối rắm trong hệ thống văn bản, quy định thực thi các quyết định, chính sách. Dù trong mọi bài diễn văn, trên mọi băng rôn, khẩu hiệu vẫn nhan nhản hô hào “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em !”.

Theo Báo giấy