> Nhóm nhảy hip-hop làm khán giả phát khóc
Phải nói làm Got Talent ở Việt Nam khá phiêu lưu vì người Việt ta bao đời nay sống êm đềm trong vòng cương tỏa của “thuần phong mỹ tục”. Sẽ không ai dại gì lên ti-vi nhảy múa khỏa thân, đánh piano bằng cái ấy như một số tiết mục từng được lên sóng tại các phiên bản nước ngoài.
Mà chương trình như Tìm kiếm tài năng nói thẳng là chẳng rỗi hơi tìm kiếm tài năng đơn thuần, mà là tìm những tài năng đi kèm với các yếu tố hoàn cảnh chẳng giống ai, hoặc đôi khi chả thấy tài đâu mà đơn giản là một hành động kỳ quặc có thể trưng ra cho công chúng.
Thế nhưng thí sinh Việt Nam mang nặng trong mình truyền thống Á Đông vẫn rất say sưa với những giá trị đã được khẳng định đi khẳng định lại, tiêu biểu là nhảy kiểu Michael Jackson - số phát sóng nào cũng có ít nhất một cháu/anh/chú đi bay và gí tay vào háng.
Với “đầu vào” toàn tiết mục có độ an toàn cao, nhà sản xuất sắp phải bó tay tưởng chừng không vực chương trình nổi lên được. Nay Quỳnh Anh và gia đình xuất hiện khác nào tiếng sét giữa trời quang.
Do khác biệt về văn hóa và văn minh, nên một số loại tài năng chắc chắn bị lên án ở các nước phương Tây phát triển thì ở ta lại vẫn đàng hoàng lên sóng quốc gia. Chẳng hạn tài nuốt chạch sống - chắc chắn sẽ bị các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế cực lực lên án, một khi chương trình đủ sức khiến họ để ý.
Nhưng dư luận trong nước tất nhiên không lấy số phận của mấy con chạch làm điều, mà phải là những gì như kiểu biểu hiện của tình mẫu tử mà mẹ thí sinh Quỳnh Anh đã thể hiện. Tất nhiên bà rất choáng khi con mình bị BGK loại không thương tiếc nên đã có những lời tại trận để nói lại.
Thường hai loại tiết mục có nhiều khả năng xuất hiện trên màn hình Got Talent. Một là khiến cho người xem không kìm được nước mắt vì khóc, hai là cũng không nín được cười.
Tuy nhiên Got Talent phiên bản Việt Nam xem ra đến giờ phút này lại có duyên với tiết mục đem lại dạng cảm xúc thứ ba. Có tờ báo mạng giật tít về sự việc: Mẹ thí sinh “hát chuẩn 6 thứ tiếng” gây phẫn nộ trên YouTube.
Giải thưởng ca hát đáng kể nhất từ trước đến nay của cô bé 15 tuổi- hẳn là rất gia giáo vì lúc nào cũng xưng “con” - đâu như là giải Nhất toàn trường. Như vậy có thể hiểu là mỗi trường trung học cơ sở trên toàn quốc đều có một Quỳnh Anh.
Giọng hát như Quỳnh Anh tất nhiên chưa phải là của hiếm. Cô cũng không có một “yếu tố hoàn cảnh” nào đặc biệt để có thể bật lên hoặc làm cho chương trình bật lên trong sự đổ xô quan tâm của khán giả.
Và mẹ của Quỳnh Anh chính là người đã gỡ bàn thua cho… chương trình bằng những sự phát ngôn trong đó nhấn mạnh con mình như một tài năng trẻ bị đối xử bất công - gây om sòm trên mạng mấy ngày nay.
Got Talent Việt Nam dù sao cũng nên biết ơn mẹ Quỳnh Anh. Vì càng gây dư luận, chương trình càng thành công. Với tư cách khán giả, người ngoài cuộc, chúng ta tha hồ phán đủ kiểu.
Người thì cho rằng chương trình “câu khách bằng cách xúc phạm thí sinh”, lại có người suy đoán gia đình Quỳnh Anh chắc phải trả tiền thì mới được truyền hình đưa nhiều như thế.
Người bảo mẹ Quỳnh Anh dùng chiêu để đánh bóng con, người khác lại cho rằng bênh con như thế khác nào hại con… Nhưng nói gì thì nói, vô hình trung, chúng ta vẫn trở thành những tiếp thị viên không công cho chương trình.
Chương trình truyền hình thực tế thành công khi tính thực tế của nó càng cao, đến mức tác động vào đời sống, cảm xúc thực tế của từng khán giả. Dù ở vị thế nhện, ruồi hay ong, thì chúng ta cũng đã bị mắc vào cái mạng của truyền hình thực - nhưng mở rộng ra lại là truyền thông ảo - mất rồi.
Vậy có nên chuẩn bị tinh thần trước những món mới lạ mà truyền thông chắc sẽ còn bày lên bàn tiệc, khi mà những món ngon trước đây đã thành thiu. Và hy vọng chúng mình không thành nguyên liệu cho suất ăn tiếp theo!