Môn Hóa - Coi chừng dễ mất điểm

TP - Theo thầy Đàm Phương Hùng – Giáo viên trường THPT Việt Đức (Hà Nội) – thì Hóa học là môn dễ học nhất trong số các môn khối tự nhiên.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q3 trong giờ học môn hóa. Ảnh: M.H.

Điều này được chứng minh qua kết quả các kỳ thi tốt nghiệp THPT (những năm có môn Hóa) và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm: Mặt bằng điểm thi môn Hóa thường cao hơn cả. Tuy nhiên, đây cũng là môn dễ mất điểm.

Học đi đôi với hành

Chương trình Hoá học là chương trình đồng tâm, kiến thức nọ lồng trong kiến thức kia. Cũng như học ngoại ngữ muốn dịch bài khoá ở bài học thứ 100 thì phải hiểu từ mới từ bài thứ 1. Hoá học cũng thế.

Các kiến thức đan kết, móc nối với nhau. Nếu học a-ma-tơ thì khi làm bài học sinh sẽ bị vấp và khó làm được trọn vẹn.

Học Hoá là không cần học thuộc lòng. Nhưng học thì phải hiểu mới làm được bài tập. Vì thế, học phải đi đôi với hành. Để dễ nhớ kiến thức môn Hoá, học sinh học lý thuyết đến đâu tự viết luôn các phản ứng hoá học ra giấy đến đấy.

Hiện nay, ở Hà Nội cũng như nhiều nơi khác, HS đi học thêm khá nhiều. Có tình trạng nhiều HS đến các lớp học thêm cảm thấy thầy giảng rất hay và cứ thế ngồi cắm cúi chép. Nhưng rốt cục là chẳng có gì đọng lại trong đầu. Sở dĩ như vậy vì các em đã học một cách thụ động.

Học nhưng không hiểu bản chất, thầy giảng thế nào thì chép nguyên như thế. Đến khi đi thi, các em có thể nhớ láng máng là đã từng học đến kiến thức được ra trong đề nhưng vẫn không viết ra được – dĩ nhiên là chẳng được điểm nào.

Hoá học là như thế, không hiểu được bản chất thì không làm được bài. Cách tốt nhất HS nên thực hiện là sau khi học ở trường rồi thì nên sắp xếp thời gian tự học ở nhà, biến kiến thức được dạy thành kiến thức của mình.

Tự mình nghiền ngẫm, tự mình cầm bút viết ra các công thức, các phương trình phản ứng rồi làm bài tập... thì kiến thức đã học mới khắc sâu vào trí nhớ được.

Khi ôn tập, HS nên bám sát chương trình sách giáo khoa Hoá học lớp 12. Đề thi những năm gần đây rất cơ bản nhưng cũng rất trí tuệ (đủ để đánh giá HS ở nhiều tầng, nấc).

Tất nhiên, nếu các em học theo kiểu giở 2 cuốn SGK ra để học thuộc lần lượt từng bài thì chẳng ích lợi gì, hơn nữa làm gì có đủ thời gian để học! Do đó, các em phải có phương pháp.

Để ôn tập, các em phải học trên tổng thể. Ví dụ khi học về phần kim loại. Trước hết, các em phải nắm được đại cương. Động đến kim loại cụ thể nào thì áp dụng tính chất chung như đại cương, đồng thời lưu ý tính chất đặc thù. Học cái tổng quát, áp dụng từng cái cụ thể. Ngoài những nét chung phải nhớ nét đặc thù. Học như thế sẽ rất nhanh. 

Làm bài thi không cẩn thận dễ bị mất điểm

Trong quá trình học, nhiều HS cho rằng Hoá là môn khó học so với các môn trong khối tự nhiên. Tuy nhiên, qua các kỳ thi ĐH, CĐ cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm thì môn Hoá là môn có tỉ lệ điểm cao hơn hẳn các môn Toán, Lý.

Để được điểm 10, HS không chỉ cần có năng lực tư duy tốt mà kiến thức phải vững vàng. Nhưng để được điểm 7 – 8 với môn Hoá cũng không phải là điều khó. Đây là môn rất dễ kiếm điểm.

Chỉ cần viết phương trình, chỉ cần hiểu là làm được bài chứ không nhất thiết phải học thuộc lý thuyết như môn Lý.

Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thông thường đề ra chỉ có một phần rất nhỏ lý thuyết (như nêu định nghĩa). Còn trong kỳ thi ĐH, CĐ thì hoàn toàn không có phần nào dành cho việc học thuộc.

Song không phải cứ có kiến thức vững vàng là có thể đạt điểm cao môn Hoá trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Muốn được điểm cao thì phải làm bài cẩn thận.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, với môn Hoá trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, những em học giỏi (đủ để thi đỗ khối A - PV) chưa chắc đã đạt điểm cao bằng những học sinh học khá nhưng làm bài cẩn thận. Cẩn thận trong tính toán cũng như trong trình bày.

Năm nay, môn Hoá vẫn tiếp tục thi bằng hình thức tự luận. Đã làm bài tự luận thì trình bày phải rõ ràng. Làm đến câu nào đạt điểm tối đa câu ấy. Dễ làm trước, khó làm sau. Không nhất thiết phải cầu toàn là làm hết tất cả các câu hỏi có trong đề thi.

Nếu lơ là, có những bài làm xong nhìn qua tưởng đã đầy đủ rồi nhưng thực ra vẫn có thiếu sót, bài làm không được điểm tối đa. Đừng để mất điểm thành phần một cách đáng tiếc như vì quên cân bằng phương trình, quên điều kiện phản ứng, quên sản phẩm, quên chất xúc tác... 

Hoá học là một môn tương đối dễ học. HS cứ học môn Hoá một cách bình thường như những môn học khác, đến tiết học trên lớp thì chăm chú nghe giảng là đã có thể làm bài đạt điểm khá trong kỳ thi tốt nghiệp rồi.

Trong thời gian ôn tập, nếu HS cố gắng thì với đề thi tốt nghiệp HS giỏi và khá có thể cảm thấy rất thoải mái khi làm bài, HS trung bình có thể vươn lên thành khá, HS kém có thể vươn lên trung bình. Tất nhiên, nếu HS không biết gì, không chịu học bài thì môn Hoá có dễ học đến mấy các em vẫn bị điểm kém.