Mối tình cảm động của người lính hy sinh trên Mi 171

'Khi đang chuẩn bị món ăn mà anh thích, tôi nghe tin dữ. Mấy ngày trước, anh mua tặng vợ chiếc váy màu đen để mặc được lâu', chị Phương kể.
Chị Phương vẫn chưa thể tin người chồng thân yêu của mình đã không còn.

Đã gần 10 ngày trôi qua kể từ khi nhận được tin chồng hi sinh trong vụ máy bay trực thăng Mi-171 rơi, những nỗi buồn, đau đớn của chị Vũ Thu Phương, vợ Thiếu tá Nguyễn Đào Hồng Tâm vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Căn phòng mới được Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tạo điều kiện cho 3 mẹ con ở Trạm 99, Nhà khách Quân chủng vẫn bừa bộn đồ đạc. Nơi trang trọng nhất, bàn thờ Thiếu tá Nguyễn Đào Hồng Tâm mới được lập vẫn nghi ngút khói.

“Từ hôm anh Tâm mất đến nay, lãnh đạo đơn vị và anh em, bạn bè, đồng đội đến hỏi thăm, động viên tinh thần gia đình rất nhiều. Đó cũng là động lực để tôi vượt qua nỗi đau mất mát này. Anh Tâm mất đi, nhưng trách nhiệm của người mẹ tôi vẫn phải lo cho các con trưởng thành, như khi anh còn sống từng nói. Vì vậy, ở bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng phải mạnh mẽ nên mấy hôm nay tôi cố nén nước mắt vào trong để lo cho các con, để người thân trong gia đình, anh em, bạn bè, đồng đội của anh cảm thấy yên tâm hơn”, chị Phương chia sẻ.

Cả anh và chị đều cùng tuổi Canh Thân (1980) học cùng trung học phổ thông nhưng thời đó lại không hề quen biết. “Chúng tôi quen nhau qua những lá thư, yêu nhau cũng qua những lá thư và sau này khi đã cưới nhau vẫn qua những lá thư. Cuộc sống của chúng tôi luôn ngập tràn tiếng cười, hạnh phúc và sự giản dị”, chị nói.

Chị Phương kể, khi còn đang học ở Học viện Phòng không - Không quân trên Sơn Tây, vì cả trường đa số là nam giới nên anh muốn kết bạn với một người con gái để viết thư cho đỡ buồn. Nghe câu chuyện của anh, người bạn cùng phòng (cũng là bạn thân của chị) đã cho anh một số địa chỉ để gửi thư làm quen.

“Lúc đó, tôi là sinh viên năm thứ hai ĐH Sư phạm Hà Nội. Khi đó internet chưa phổ biến như bây giờ nên việc làm quen hay hỏi han chủ yếu vẫn là qua thư. Thật sự tôi bất ngờ về lá thư làm quen đầu tiên của anh ấy. Dòng chữ mộc mạc, thẳng hàng, nắn nót rất đẹp. Anh ấy chăm viết và viết thư hay lắm. Tuần nào tôi cũng nhận được hai lá thư với những dòng chữ đều đặn 2-3 trang giấy. Từ bạn bè, chúng tôi yêu nhau, sau khi tôi ra trường được một năm thì tổ chức lễ cưới. Đến ngày anh mất, chúng tôi đã quen, yêu và lấy nhau được 15 năm nhưng chưa bao giờ có một lời tỏ tình”, chị Phương buồn buồn nhớ lại.

Yêu nhau một thời gian dài, sau ngày cưới, được một tuần anh lại đi công tác biền biệt trong Phù Cát (Bình Định) tận 6 tháng sau mới về thăm chị. Rồi khoảng thời gian 5 năm đầu, anh chị cứ xa nhau như thế. Khi khoảng thời gian bên gia đình của anh dành cho chị, cho các con chưa được bao lâu thì tai nạn thương tâm xảy ra.

Thiếu tá Nguyễn Đào Hồng Tâm là giáo viên dù thuộc Trung tâm Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không. Thiếu tá Tâm mất đi, để lại vợ cùng hai con gái là Nguyễn Hà Ngân (sinh năm 2013) và Nguyễn Lan Anh (sinh năm 2006).

Thắp nén hương lên bàn thờ, những giọt nước mắt của chị Phương cứ lăn dài trên gò má xanh xao, mệt mỏi vì những ngày lo công việc cho chồng. “Cách mấy hôm anh gặp nạn, vì cháu bé ốm nên anh xin đơn vị nghỉ về chăm con. Sau khi con khỏe, cả hai vợ chồng đi siêu thị mua sắm và cho các cháu đi chơi. Anh đưa tôi vào một cửa hàng quần áo, khi tôi chọn chiếc váy màu bã trầu thì anh bảo màu này mặc không được lâu, cứ lấy màu đen mà mặc cho lâu dài. Đó là món quà cuối cùng của anh”, chị Phương tâm sự.

Nhắc về kỷ niệm, chị cảm thấy rất hạnh phúc nhưng khi nghĩ đến ngày mai không có anh, chị cảm thấy lòng trống rỗng. Hôm nhận tin anh tử nạn, chị bảo, từ sáng sớm lên lớp, cũng nghe loáng thoáng có máy bay rơi ở trên huyện Thạch Thất, nhưng vì bận bịu với công việc, với con cái nên cũng không lên mạng đọc tin tức.

Khoảng 6-7h tối, khi đang chuẩn bị bữa cơm thì nhận được điện thoại báo tin. “Lúc đó tai tôi như ù đi. Tôi gục xuống mà không biết mình vừa nghe thấy gì. Từ đó đến giờ, đầu óc tôi làm gì cũng nhớ trước quên sau. Để lo trọn vẹn cho anh, tôi phải gửi các con cho em gái trông hộ. Giờ cháu nhỏ đang còn ốm nên vẫn phải nhờ bác sĩ đến chăm sóc tại nhà”, chị Phương cho biết.

Chị Phương luôn tự hào về một người chồng rất tâm lý với vợ và yêu thương các con hết mực. “Anh sống hòa đồng, giản dị, tận tụy và vui tính nên được nhiều người quý mến lắm. Cả tôi và anh sống với nhau như những người bạn vậy. Tuy cuộc sống của hai vợ chồng sống khó khăn, phải đi thuê phòng trọ, phải nuôi hai con nhỏ nhưng chưa bao giờ có mâu thuẫn, giận dỗi nhau dù chỉ một phút. Tôi biết, tháng ngày phía trước còn nhiều vất vả khi trong gia đình vắng bóng người chồng, người cha như anh”, chị nói.

Đặt lên bàn thờ chồng những món ăn hàng ngày mà anh vẫn thích, chị Phương gạt nước mắt: “Trước khi nghe tin anh tử nạn, tôi đi chợ về và đang chuẩn bị những món ăn mà anh thích. Nhưng bữa cơm đó mãi dang dở và anh mãi mãi không bao giờ về nữa. Khi còn sống, anh Tâm luôn bảo, nhảy dù và chinh phục bầu trời là đam mê của anh từ thời còn học cấp 3. Vì nhiệm vụ, anh cũng có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên em phải chuẩn bị tâm lý. Nhưng thật sự không ngờ điều đó xảy ra quá sớm. Cầu mong ở bên kia, anh vẫn được vui cùng đam mê của mình. Còn với trách nhiệm là người vợ, tôi sẽ sống để không phụ lòng anh”.

Theo Theo Giadinh.net.vn