Ông Trump yếu thế cả về tài chính lẫn nhân lực
Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử Liên bang mới công bố, ứng viên dẫn đầu Đảng Cộng hòa Donal Trump bước vào chiến dịch vận động từ tháng 6 năm nay chỉ với 1,3 triệu USD tiền ủng hộ. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bỏ xa đối thủ với ngân sách tranh cử ở con số 42 triệu USD.
Về mặt nhân lực, hiện ban quản lí vận động chiến dịch của ông Trump chỉ vỏn vẹn có 70 người, kém 10 lần so với con số 700 trong đội ngũ nhân viên của bà Hillary.
Và vừa mới đây, ông Trump đã có quyết định gây bão khi sa thải “cánh tay phải đắc lực” của mình là viên trợ lí Cory Lewandowsi vào 20/6, trong bối cảnh nhiều nhà ủng hộ và đồng minh quan ngại về chiến thắng của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
70% cử tri nhận định bà Clinton sẽ đắc cử Tổng thống. Đấy là kết quả thăm dò của CNN/ORC công bố ngày 25/10. Phần lớn người tham gia bảng thăm dò cho rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ không chấp nhận kết quả và không thừa nhận thất bại.
Trong một bối cảnh khác, rất nhiều quan chức đã tỏ ra không ủng hộ Trump. Mới đây, ông Colin Powell, cựu ngoại trưởng Mỹ thuộc đảng Cộng hòa tuyên bố ông sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton.
Vị tướng bốn sao đã về hưu này là trường hợp mới nhất trong một loạt các quan chức và chính trị gia cả đương nhiệm lẫn đã nghỉ hưu của đảng Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ ứng cử viên Donald Trump, đại diện tranh cử cho đảng họ.
Ông chủ Facebook chi tiền ‘khủng’ ủng hộ bà Clinton
Sau khi ủng hộ 20 triệu USD tháng trước, đồng sáng lập Facebook Dustin Moskovitz cam kết chi thêm 15 triệu USD hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton đánh bại đối thủ Cộng hòa Donald Trump.
Đồng sáng lập Facebook Dustin Moskovitz. (Ảnh: Getty)
Trong một động thái bất ngờ, tỷ phú Moskovitz, người có khối tài sản 12,7 tỷ USD, hồi đầu tuần này cam kết sẽ ủng hộ tiếp 15 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton.Như vậy, trong vòng hơn 1 tháng, tỷ phú này đã ủng hộ 35 triệu USD cho chiến dịch của bà Clinton, đưa ông trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho đảng Dân chủ. Theo Politico, sự ủng hộ của tỷ phú Moskovitz đã làm thay đổi đáng kể năng lực tài chính tranh cử của bà Clinton.
Mặc dù ủng hộ khoản tiền lớn cho chiến dịch của bà Clinton, nhưng tỷ phú Moskovitz khá kín tiếng.
Chia sẻ về lý do đổ số tiền “khủng” cho chiến dịch của bà Clinton, Moskovitz cho biết: “Những sự kiện vừa qua khiến tôi càng chắc chắn rằng bà Hillary Clinton là lựa chọn tối ưu cho nước Mỹ. Tôi hy vọng có thể đóng góp để biến điều đó thành sự thực".
Tỷ phú công nghệ 32 tuổi này từ lâu đã được biết đến là một nhà từ thiện, nhưng dường như chỉ mới “can dự” vào chính trường. Moskovitz là một trong số nhiều tỷ phú công nghệ ủng hộ chiến dịch tranh cử của bà Clinton, trong đó có giám đốc điều hành Apple Tim Cook.
Ông Trump chuẩn bị cho kịch bản thất bại?
Mặc dù vẫn tuyên bố có khả năng giành thắng lợi nhưng tỷ phú Donald Trump và những người ủng hộ dường như đã tính tới kịch bản thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang hướng tới một chiến thắng áp đảo dù những trợ lý của bà vẫn tuyên bố còn quá sớm để khẳng định điều gì.
Trong những ngày qua, ông Trump đã đưa ra những phát biểu như để chuẩn bị cho thất bại, khẳng định sẽ không hối hận dù kết quả bầu cử thế nào hoặc cho rằng cuộc bầu cử sẽ bị gian lận kết quả.
Người điều hành chiến dịch tranh cử của Trump là Kellyanne Conway cũng thừa nhận ứng cử viên Đảng Cộng hòa đang bị “bỏ lại phía sau” và đối thủ bên phe Dân chủ đang có lợi thế lớn.
Bà Clinton hiện đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang vận động cho các nghị sỹ Đảng Dân chủ tại Quốc hội. Đảng Cộng hòa đang có nguy cơ mất thế đa số tại cả hai viện do ảnh hưởng từ các bê bối của ông Trump.
Cuộc chiến sinh tử tại các bang chiến trường
Trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, ngoài những bang thể hiện rõ xu thế bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa (bang đỏ) hay đảng Dân chủ (bang xanh), còn không ít bang mà sự chênh lệch về tỷ lệ ủng hộ giữa hai bên là không mấy cách biệt và thay đổi theo từng mùa bầu cử.
Chính trị Mỹ gọi đây là những bang chiến trường (battleground states hay swing states), đóng vai trò quyết định đối với kết quả bầu cử cuối cùng, nơi cả cựu ngoại trưởng Mỹ và tỷ phú bất động sản đang dồn tất cả nguồn lực và chiến thuật nhằm giành sự ủng hộ từ những lá phiếu còn đang do dự.
Bình luận viên Barnay Henderson của Telegraph nhận định các bang chiến trường trong mùa bầu cử năm nay bao gồm 11 bang, Florida, Ohio, Pennsylvania, Wisconsin, New Hampshire, Minnesota, Iowa, Michigan, Nevada, Colorado và Bắc Carolina, có thể được phân chia làm ba nhóm, theo mức độ quan trọng và đặc điểm tính chất của từng bang.
"Mặc dù kết quả thăm dò gần đây đều nghiêng về bà Clinton, lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy vai trò quan trọng của các bang chiến trường, thậm chí có thể tạo ra những bất ngờ ở thời điểm cuối cùng của cuộc đua", bình luận viên Blandine Le Cain của Figaro nhận định.