Và mỗi năm thang bậc này của Việt Nam dường như càng đi xuống, thua xa láng giềng Malaysia, Thái Lan...
Trong khi một quốc gia nhỏ bé bên cạnh là Singapore hiên ngang đứng ở tốp 3 (năm 2011 đứng thứ nhất).
Nếu như chỉ số “hạnh phúc” do một tổ chức phi chính phủ đánh giá, thì chỉ số về sáng tạo do chính Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) thuộc Liên Hiệp Quốc xếp hạng. Ý nghĩa và tầm quan trọng khác hẳn.
Từ chuyện IQ trên nghị trường, đến dự án đào tạo hàng vạn tiến sĩ. Từ việc quan chức ai cũng học hàm học vị sáng loà, đến những bác Hai lúa thi nhau chế tạo máy bay, và nhà nông mày mò chế tạo ra bao nhiêu loại máy móc để “tự cứu” mình khỏi công việc ruộng đồng nặng nhọc.
Học sinh gặt hái vô số huy chương vàng, bạc từ các cuộc thi quốc tế, đến không khí náo nức về các thủ khoa khắp nơi. Tỷ lệ thi tốt nghiệp các cấp năm nào cũng suýt soát 100%, vào lớp học thì đỏ mắt mới kiếm ra một học sinh khá, bởi tất cả đều loại …giỏi !
Thế là bấy lâu, ai cũng yên tâm rằng người Việt thừa chất xám !
Là một tổ chức uy tín thuộc Liên Hiệp Quốc, xếp hạng của WIPO không chỉ quan trọng về con số, mà sự phân loại đánh giá cũng rất rạch ròi, khoa học. Có 7 tiêu chí được phân thành hai nhóm chỉ số, gồm Nhóm đầu vào và Nhóm đầu ra.
Nhóm đầu vào tựu trung các yếu tố thuộc về điều hành của Nhà nước tạo tiền đề cho đổi mới, sáng tạo. Nhóm đầu ra là năng lực con người, thành quả sáng tạo. Trong bảng sắp hạng, chỉ số Nhóm đầu vào của ta luôn thấp hơn nhiều so với chỉ số của Nhóm đầu ra.
Điều đó giải thích thật rõ ràng hiện tượng các bác nông dân học lớp 3 thì ra sức chế tạo máy móc, thiết bị nông cụ, còn các tiến sĩ thì hầu như chỉ cặp đi họp, hoặc “ôm” dự án.
Nhiều vị trình độ tại chức nhấp nhem lại lãnh đạo cơ quan nhân viên toàn trên đại học. Nhan nhản cử nhân không có việc đành đi làm công nhân...
Thực tế, óc sáng tạo của người Việt là không hề kém cỏi, nhưng dường như chỉ rơi vào số ít trường hợp loé sáng đơn lẻ và tự thân phát tiết là chính, làm nên một số thành tựu cũng riêng lẻ.
Trong khi đầu vào cho sự đổi mới, sáng tạo ấy, cụ thể là cung cách xây dựng hệ thống quy hoạch, đào tạo, quản lý điều hành, sử dụng và phát huy nguồn lực con người lại quá yếu kém và quan liêu.
Người Việt hay thấy “hạnh phúc”, bởi thường dễ bằng lòng với thực tại. Nhưng còn trí tuệ, sáng tạo vì tương lai sống còn thực sự của đất nước, nếu chỉ bằng lòng với những tấm bằng tiến sĩ trưng trong tủ và in trên danh thiếp, thì đó quả là mối nguy không gì bằng.